Đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm Siết chặt các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm |
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thông tin từ Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cửa hàng của hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn (xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội), phát hiện 5.100 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định và khai nhận mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Ngoài ra, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) cũng vừa phát hiện và thu giữ 4.000 sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Chủ lô hàng cho biết, mỗi chiếc bánh trung thu được nhập vào với giá 2.300 đồng, giá đến tay người tiêu dùng khoảng từ 4.000 - 5.000/chiếc. Toàn bộ số bánh trung thu này đều không có hóa đơn, chứng từ.
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội thu giữ bánh trung thu không rõ nguồn gốc |
Các loại bánh trung thu mini không rõ nguồn gốc có thời gian bảo quản rất dài, kéo dài từ 4 - 6 tháng, điều này khiến dân làm bánh chuyên nghiệp cũng như người tiêu dùng lo ngại về an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia, để làm bánh phải có quy trình từ bột, nhân, khuôn, nướng..., đặc biệt, vấn đề vệ sinh, nếu thực hiện đúng các quy trình thì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Muốn giá rẻ, quy trình phải thay đổi và nguyên liệu cũng rất rẻ. Với mức giá rẻ đến khó tin như vậy, nhiều khả năng bánh được làm từ thực phẩm không đạt chất lượng.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND. Theo kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản sản phẩm, thực phẩm đến người dân. Thời gian triển khai từ ngày 15/8/2022 - 15/9/2022.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, UBND thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đối với lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý. Đặc biệt kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất, rượu, bia, nước giải khát… phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị trong ngành biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đối với lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý.
Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT phối hợp cùng chính quyền sở tại tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Tập trung kiểm tra bánh trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu, nhân bánh, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu...
Trong dịp Tết Trung thu năm 2022, lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường. |