Hiệu quả cao
Hơn 10 năm qua, khuyến công Đắk Nông đã hỗ trợ thực hiện hơn 20 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến nông sản mới. Các đề án đều phát huy tốt hiệu quả, giúp cơ sở, doanh nghiệp tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận. Các đề án khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, từng bước đưa công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm mới, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Công ty TNHH MTV Lê Bình Minh Phát (thị xã Gia Nghĩa) được đầu tư máy móc thiết bị bằng nguồn vốn khuyến công |
Đơn cử, sau khi được hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho ứng dụng cụm máy phân loại cà phê theo trọng lượng và kích thước trong chế biến cà phê nhân, Công ty TNHH MTV Thương mại Nga Thanh (huyện Krông Nô) đã thay đổi đáng kể năng lực sản xuất, kinh doanh. Thiết bị mới đã giúp việc phân loại cà phê nhanh và chính xác hơn; giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích tối đa trên mỗi loại sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị chế biến cà phê bột trên thị trường. Việc ứng dụng máy móc mới cũng đã giúp mở rộng quy mô sản xuất của công ty, doanh thu và lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Tháo gỡ bất cập
Song song với những hiệu quả lớn, công tác khuyến công khi được triển khai tại Đắk Nông vẫn còn một số bất cập. Một trong những điểm bất cập đó là do quy trình xây dựng đề án khuyến công, nhất là ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị vào sản xuất. Theo quy định, trong quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch cho năm sau, cơ quan chức năng và cơ sở phải đánh giá cụ thể những đặc điểm vượt trội của thiết bị cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định, cơ sở công nghiệp mới xây dựng kế hoạch, chưa mua được máy móc nên chỉ đánh giá về mặt lý thuyết dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình. Trong khi đó, trong thời gian chờ thẩm định đề án đến lúc triển khai lại kéo dài từ năm này qua năm sau. Trong quá trình chờ đợi, một số đơn vị thụ hưởng lại muốn thay đổi máy móc, thiết bị mới, tiên tiến hơn. Sự thay đổi đó lại một lần nữa trình lên UBND tỉnh phê duyệt rồi mới triển khai nên mất khá nhiều thời gian. Điều này cũng một phần làm ảnh hưởng tới sự kiên trì, theo đuổi đề án đến cùng của các cơ sở. Đây cũng chính là lý do thời gian qua, một số đề án hỗ trợ phải thực hiện chuyển tiếp từ cơ sở này sang cơ sở kia trong 1 năm triển khai.
Bên cạnh đó, hiện nguồn quỹ khuyến công chủ yếu là từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Còn quỹ khuyến công địa phương lại chưa huy động được nhiều nguồn để triển khai thực hiện các đề án. Đặc biệt là nguồn kinh phí từ cấp huyện, xã đóng góp vào hoạt động khuyến công đang rất khiêm tốn…
Những bất cập trên được xác định một phần do hiện nay, các quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn cấp huyện, xã chưa được xây dựng. Vì vậy, cấp huyện, xã không có căn cứ cơ sở để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công một cách thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Đây cũng là một hạn chế lớn trong việc huy động, thu hút các nguồn hỗ trợ cho các đề án khuyến công.
Để khắc phục những bất cập trên, vừa qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, ban hành một số quy định mới để hoạt động hỗ trợ của khuyến công ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Trong quy định mới này, Sở Công Thương đã tham mưu tập trung sửa đổi một số nội dung chính về: Quy trình xây dựng các đề án khuyến công; triển khai thực hiện đề án theo nhóm, điểm; quy định về quy trình xây dựng đề án khuyến công cấp huyện, xã…
Trong đó, quy định UBND tỉnh chỉ phê duyệt kế hoạch, đề án chung. Còn về các đề án triển khai cụ thể sẽ do Sở Công Thương căn cứ vào nguồn kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm để phối hợp với các địa phương thống nhất đề án, tránh mất quá nhiều thời gian trình, thẩm định, phê duyệt như trước đây. Ngoài ra, trong quy định mới bổ sung cũng tập trung cho việc phát huy vai trò của cấp huyện, xã trong việc chủ động xây dựng, huy động nguồn lực để triển khai các đề án hỗ trợ. Theo đó, trên cơ sở đăng ký của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, xã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện…