Bắc Giang: Cần thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu giải pháp tạo việc làm cho người lao động |
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong giai đoạn mất việc ở địa phương. Đa số người lao động thất nghiệp sau khi được hỗ trợ học nghề đã tìm được việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp và tự tạo việc làm cho bản thân.
Được biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk mỗi ngày có hàng trăm lao động đến nộp hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ, người lao động được nhân viên tư vấn về việc làm và giới thiệu việc làm, đồng thời tư vấn về học nghề cho họ. Từ những thông tin được cung cấp và tư vấn, nhiều người lao động đã lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để học nghề chuyển đổi việc làm hoặc từ kết quả học nghề đã tăng thêm thu nhập cho bản thân (như nghề nấu ăn, lái xe, trang điểm…).
Đắk Lắk: Ứng dụng công nghệ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động |
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 5/2023, đơn vị đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và các chế độ chính sách cho 3.479 lượt người. Đơn vị giới thiệu việc làm cho 501 lượt người và số người có việc làm sau khi giới thiệu là 200 người. Đáng chú ý, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng kí học nghề có chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 có 195 người được hỗ trợ học nghề, tới năm 2022 số người được hỗ trợ tăng lên 398 người và trong quý I năm 2023 đã có 53 lao động được hỗ trợ học nghề.
Tuy nhiên, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho rằng, số lao động được hỗ trợ học nghề vẫn còn thấp so với số đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng... Để người lao động được hưởng đầy đủ chế độ, Trung tâm thường xuyên liên hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh có chức năng đào tạo các ngành, nhất những nghề mới để giới thiệu cho họ biết tham gia học nghề, đúng với sở trường, đam mê bản thân. Cùng với đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, phiên giao dịch việc làm trực tuyến... để tư vấn, hỗ trợ người lao động lựa chọn ngành nghề học phù hợp, từ đó tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
Thực tế cho thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong những trường hợp thất nghiệp, gặp khó khăn về việc làm. Đặc biệt trong những năm gần đây, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Điển hình, người lao động được hướng dẫn, tư vấn qua nhiều hình thức như: điện thoại, các nền tảng mạng xã hội… Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung tâm làm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tích cực tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kịp thời, hiệu quả. Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn.
Tuy nhiên, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho biết, quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn gặp khó khăn do nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế; không ít lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong khai báo không đúng thực tế thông tin tìm kiếm việc làm, cố tình trục lợi chính sách....
Trước tình hình này, với mục đích nâng cao hiệu quả cho việc tìm kiếm việc làm của người lao động, ngày 11/5, vừa qua, Trung tâm đã ra mắt “Ứng dụng quét mã QR thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm” dựa trên bộ mã QR với mục tiêu đảm bảo truyền tải thông tin thuận lợi, nhanh chóng, phù hợp, phát huy hiệu quả tìm việc làm cho người lao động.
Trên cơ sở thực hiện ứng dụng quét mã QR, dựa trên nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk sẽ cung cấp các thông tin tuyển dụng chi tiết, thị trường lao động… Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, phát huy hiệu quả tìm việc làm cho người lao động; đồng thời rút ngắn quy trình xử lý cho trung tâm.
Để ứng dụng quét mã QR thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm hoạt động ổn định, hiệu quả cũng như gia tăng tương tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với người lao động, đơn vị đã bố trí nhân viên tiếp nhận thông tin, phân loại và chuyển thông tin đến các phòng nghiệp vụ kịp thời. Việc áp dụng công nghệ mã QR code là giải pháp bổ sung cho việc phát tờ rơi tuyên truyền, thông tin tuyển dụng bằng giấy, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cho việc tìm kiếm việc làm của người lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk áp dụng bộ mã QR với mục tiêu đảm bảo truyền tải thông tin thuận lợi, nhanh chóng, phù hợp. Bộ mã QR bao gồm biểu mẫu các câu hỏi để người lao động cung cấp những thông tin cần thiết như: Nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu; nguyện vọng nghề nghiệp, số điện thoại, khung giờ tư vấn…