Thái Bình: Làng nghề thực hiện tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hà Nội: Công nhận Trung tâm thiết kế sáng tạo, làng nghề gắn với phát triển du lịch xã Phú Nghĩa |
Tham dự đại hội có các đại biểu đến từ Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND thành phố Hà Nội, Hải Dương…cùng đông đảo thành viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khoá III,IV, cho hay, qua 19 năm xây dựng và trưởng thành, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh qua 4 kỳ Đại hội. Hiệp hội đã và đang thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, nghệ nhân, doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khoá III,IV phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn |
Hiệp hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn hóa, các cấp Hội, nghệ nhân và hội viên, vì vậy đã tạo nên sức sống mới của làng nghề Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023 với mục tiêu “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Đổi mới Sáng tạo - Hội nhập Quốc tế”, Ban Thường trực Hiệp hội đã duy trì sự chỉ đạo chặt chẽ và tranh thủ ý kiến của Hội đồng Tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra những định hướng phù hợp, hoạt động thiết thực, khích lệ hoạt động sản xuất, sáng tạo, truyền - dạy - giữ nghề trong các làng nghề truyền thống trước thực trạng nhiều nghề thủ công có nguy cơ bị mai một.
Ông Lưu Duy Dần cũng nhấn mạnh, với những nỗ lực và kết quả đạt được trên mọi mặt hoạt động, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập (20/11/2020) Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã vinh dự được đón nhận: Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Hiệp hội cũng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Công thương, Bức trướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 18 chữ: “Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bảo tồn - tôn vinh - phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam”, Bằng khen và Cờ Thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với thành tích: “Vì sự nghiệp phát triển làng nghề bền vững”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là 1 trong 3 tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động tốt và quản trị tốt…
Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: Thanh Tuấn |
Với vai trò, vị trí đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, để khu vực làng nghề phát triển, tại Đại hội, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề nghị với Quốc hội và Chính phủ: Xem xét và có ý kiến về việc xây dựng và ban hành “Luật bảo tồn và phát triển làng nghề”; cho phép lấy ngày 20/02/1959, ngày Hồ Chủ tịch về thăm Làng gốm cổ truyền Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội là “Ngày làng nghề Việt Nam”.
Đề nghị các cơ quan chức năng có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho làng nghề về giải pháp xử lý môi trường, mặt bằng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; có kế hoạch, chương trình cụ thể phát huy vai trò, cống hiến phát triển ngành nghề của các thế hệ nghệ nhân, nhất là nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước sau khi được phong tặng danh hiệu; có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để làng nghề tiếp tục phát triển.
Chia sẻ tại Đại hội, bà Phạm Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ- Bộ Nội vụ nhận định, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là nét đặc thù riêng biệt và rộng khắp. Nghề truyền thống chỉ đơn thuần là kiếm kế sinh nhai mà còn là hồn cốt dân tộc, quảng bá văn hoá Việt Nam. Lĩnh vực này ngày càng được quan tâm từ Đảng và Nhà nước. Cách đây gần 20 năm việc thành lập Hiệp hội là tất yếu nhằm bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam.
“Hiệp hội trong thời gian qua đã phát triển ấn tượng, là Hiệp hội mạnh, hoạt động bài bản và tập trung ở nhiều khía cạnh như: Tư vấn chính sách, phát triển hội viên, nghệ nhân trẻ, công tác đối ngoại để phát triển thế mạnh”, bà Phạm Thu Hằng cho hay. Bà cũng đồng thời nhận định, phương hướng trong nhiệm kỳ tới hết sức toàn diện. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nội vụ đánh giá việc ứng dụng dịch vụ công trong thời gian tới của các hội, hiệp hội trên cả nước. Hiệp hội đã đề cập vấn đề này trong nhiệm kỳ tới là rất kịp thời và quan trọng.
Bà Phạm Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ- Bộ Nội vụ. Ảnh: Thanh Tuấn |
Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phụ trách phía Nam, nghề thủ công là hồn cốt của các làng nghề, giữ một vị trí độc đáo và quan trọng trong thế giới ngày nay bởi có mối liên hệ về văn hóa và lịch sử; tính bền vững; cá nhân hóa và tính độc đáo; tác động kinh tế; đổi mới và sáng tạo…
Để phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Nguyễn Hữu Phước cho rằng, cần triển khai các chương trình đào tạo toàn diện nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ thuật thủ công truyền thống và các ứng dụng hiện đại. Khuyến khích quan hệ đối tác giữa những người thợ thủ công và các cơ sở sản xuất lớn có thể thúc đẩy việc học hỏi và đổi mới lẫn nhau.
Tận dụng công nghệ để nâng cao các kỹ thuật thủ công truyền thống có thể khiến chúng trở nên phù hợp và dễ tiếp cận hơn. Điều này bao gồm việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để thiết kế, tiếp thị và sản xuất. Việc quảng bá các lợi ích về môi trường của nghề thủ công và các phương pháp sản xuất bền vững có thể thu hút người tiêu dùng và doanh nghiệp có ý thức về sinh thái.
“Các chính sách và ưu đãi hỗ trợ nghệ nhân và ngành thủ công mỹ nghệ có thể cung cấp các nguồn lực và sự công nhận cần thiết. Các khoản tài trợ, trợ cấp và lợi ích về thuế có thể khuyến khích việc đưa nghề thủ công mỹ nghệ vào các hệ thống sản xuất lớn hơn”, ông Nguyễn Phước Hữu đặc biệt nhấn mạnh.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tri ân ông Vũ Quốc Tuấn- Người sáng lập ra Hiệp hội. |
Từ góc độ của làng nghề, ông Nguyễn Văn Thịnh- Làng nghề Rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc, khẳng định, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã giúp cho Hội làng nghề về công tác tổ chức hoạt động, hướng dẫn và bàn bạc để tạo ra các sản phẩm có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong hoạt động của làng nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam luôn theo dõi chỉ đạo sát sao và trực tiếp đến tận cơ sở để tham gia giúp đỡ trong mọi hoạt động.
Đồng thuận với các đề xuất của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Thịnh đề xuất thêm, hiện tại một số tỉnh, thành phố chưa có hội, hiệp hội làng nghề, đề nghị Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tiến hành thảo luận thống nhất để các tỉnh có hội, hiệp hội làng nghề để tạo điều kiện cho các hội, hiệp làng nghề địa phương có nghề hoạt động có hệ thống và có sự chỉ đạo trực tiếp tạo cho phong trào được phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để Hiệp hội cũng là một đầu mối giới thiệu đề xuất phong tặng nghệ nhân Ưu tú và nghệ nhân Nhân dân.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Trịnh Quốc Đạt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khoá IV được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029. |