Môi trường giáo dục vẫn phải chứng kiến “trò đánh thầy”
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ở phương diện văn hóa, theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú nhưng phát triển văn hóa chưa tương xứng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu thảo luận tại hội trường |
Đại biểu cho rằng, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nguồn lực đầu tư cho phát triển cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng chưa đáp ứng. Đầu tư không đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909 ngày 2/11/2021.
Sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà, toàn xã hội chưa đồng bộ, chưa kịp thời, chưa thấu đáo. Vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa ở đâu đó, có lúc, có nơi còn chưa phát huy tích cực.
Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời đại mới. Môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định, dễ bị cuốn đẩy chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực…
Vậy nên, chỉ tính ở góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện nghịch văn hóa, thiếu văn hóa vẫn hiện hữu ở nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống. Trong môi trường gia đình, vẫn còn cảnh cha mẹ bạo hành con cái, và con cái lăng mạ, bỏ bê việc chăm sóc gần gũi cha mẹ, người thân.
Trong môi trường cộng đồng dân cư vẫn còn cảnh mâu thuẫn, gây gổ phá hoại tài sản vì sự vị kỷ cá nhân, gây mất an ninh trật tự công cộng.
Trong môi trường công sở, vẫn còn cảnh đồng nghiệp, cộng sự cạnh tranh không lành mạnh, hạ bệ nhau, níu kéo nhau, hoặc quay lưng nhau trong công việc và xử lý công việc, khiến môi trường công sở nặng nề, áp lực, có người muốn xa lánh hoặc rời bỏ.
Trong môi trường số, còn có những tương tác của người dùng, trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lệch chuẩn gây bão tâm lý xã hội hoặc đưa tin xấu, độc, xuyên tạc, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong môi trường giáo dục, chúng ta thường nghĩ môi trường giáo dục là môi trường văn minh của mọi môi trường văn minh. Tuy nhiên, vẫn phải chứng kiến những cảnh trò đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy và những cảnh tang thương khác.
"Trong học sinh, hành vi phi văn hóa xảy ra ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc trung học cơ sở và thậm chí là bậc cuối tiểu học. Những cảnh tượng đó khiến chúng ta không khỏi xót xa" - đại biểu nêu.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong từng ngành, lĩnh vực
Để góp phần giữ vững hồn cốt của dân tộc và khắc phục những khuyết thiếu trong văn hóa ứng xử, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 một số vấn đề.
Một là, phát triển văn hóa đồng bộ hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đây là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phải đặt chúng tỷ lệ thuận với nhau; đồng thời, phải bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
"Giải pháp nổi bật là nghiên cứu cho phép, triển khai hợp tác công tư trong trùng tu, khai thác di sản để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, tăng đầu tư cho văn hóa và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa" - đại biểu đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói.
Hai là, trong xây dựng con người phát triển toàn diện, cùng với việc nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái đạo đức là xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề đời sống xã hội, nhất là về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, báo chí và truyền thông, xem trọng văn hóa, đạo đức trong giáo dục phổ thông, mầm non, để củng cố nền tảng tinh thần của xã hội.
Ba là, trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế rất cần rà soát, xây dựng quy chế nội quy bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và cả trên môi trường số toàn diện, đủ mạnh, đủ sức răn đe nhằm hình thành các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, hành vi ứng xử…
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh, văn hóa cùng với chính trị, kinh tế là 3 mặt trận song hành, đồng bộ, hài hòa, đã được Đảng ta xác định trong đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 khi đất nước chưa giành độc lập, chủ trương ấy ngày càng được phát triển nhuần nhuyễn và mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống xã hội Việt Nam cần không ngừng phấn đấu thực hiện, đạt đích chuẩn văn hóa nước nhà trong thời đại ngày nay.