Thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vào chiều 2/6, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - đoàn TP Hà Nội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật, đồng thời đồng ý với phương án dùng một luật để sửa 2 luật. Bởi vì, 2 luật này có liên quan rất chặt chẽ với nhau.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn TP Hà Nội |
Theo tôi, dự án luật lần này đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về chính trị, pháp lý và thực tiễn, trên cơ sở bám sát những yêu cầu cơ bản trên các phương diện là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Nói về công cuộc chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công an - một bộ tiên phong đi đầu và đạt được nhiều thành quả đáng được ghi nhận, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một tiến bộ vượt bậc trong việc góp phần xây dựng nền tảng đầu tiên của dữ liệu lớn của Việt Nam.
Với tiến độ và cách thức như vậy, nếu kết hợp tốt với các bộ, ngành, các cơ quan khác có thể chúng ta sẽ có sự chuyển biến rất nhanh trong việc thực hiện chủ trương về thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nước ta đặt ra mục tiêu rất quan trọng đó là trở thành nhóm 3 trong ASEAN về chuyển đổi số. "Tôi rất hy vọng Bộ Công an sẽ là Bộ cán đích đầu tiên đạt được mục tiêu này trong các cơ quan của Chính phủ Việt Nam" - đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, lần này Bộ Công an trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội đề án về tiếp tục mở rộng và tăng cường việc áp dụng visa điện tử, áp dụng quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của đất nước. Đây là một bước tiến đột phá nếu chúng ta thực hiện theo những nội dung được quy định.
Đối với công dân Việt Nam, chúng ta đã có những quy chế quan trọng về việc đảm bảo cho công dân có thể khai báo hộ chiếu trên môi trường điện tử, đồng thời, chúng ta cũng đã có quy định về việc mở rộng đối tượng cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn sẽ góp phần thuận lợi cho đồng bào ta. Đối với người nước ngoài và cộng đồng quốc tế, đây cũng là một bước tiến rất lớn.
"Là người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại cũng như trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đầu tư, điều day dứt của chúng tôi trong suốt thời gian qua là tại cuộc họp nào gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, họ cũng nêu đến vấn đề thủ tục visa của Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Ông Lộc cho rằng, Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt các nhà đầu tư, kinh doanh đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh.
"Tuy nhiên, trong du lịch, chúng ta lại là nước "đi trước về sau", mặc dù kiềm chế tốt Covid-19 và mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN nhưng chúng ta lại không đạt được thành quả như họ, vì chính sách visa của chúng ta chưa đủ cởi mở" - ông Lộc nhận định.
Theo đó, với quyết định về việc có những thay đổi trong lĩnh vực này, cởi mở hơn và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế hàng đầu, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, sẽ thúc đẩy được việc xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch. Có lẽ, đây là một "món quà" quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là một thông điệp quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập mở cửa và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam.
"Tôi hoàn toàn hoan nghênh chủ trương về việc cấp visa điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ" - ông Lộc nêu.
Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, ông Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 - 60 ngày, vì chúng ta nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực, nhưng mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta.
Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này. Nếu 45 ngày tương đương với mức trung bình trong khu vực, cần nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN.
Ngoài ra, ông Lộc cũng góp ý, về việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Do đó, đề nghị nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, đồng thời với việc mở rộng danh sách chúng ta cho áp dụng thị thực điện tử.
Trong thời gian qua, có những đối tác đầu tư kinh doanh hàng đầu của chúng ta nhưng họ không được hưởng chế độ này vì trong luật của chúng ta thiếu một chữ - chúng ta chỉ áp dụng đối với công dân các nước, chứ không có các "vùng lãnh thổ". Chính vì vậy, họ đã không được hưởng các chế độ cần thiết đối với tư cách như là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam...