Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 sáng ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá rất cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung giám sát tối cao.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường |
Đây là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực phát triển đất nước.
Đại biểu đoàn tỉnh Bình Thuận cho biết, qua nghiên cứu báo cáo Quốc hội và thực tế Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiến hành giám sát trong thời gian qua cho thấy, về tổng thể công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy nhiều bất cập, tồn tại như báo cáo đã nêu, đại biểu cho rằng nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát. "Nếu những tồn tại, hạn chế được khắc phục thì công cuộc xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu hơn nữa" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Qua nghiên cứu và trực tiếp giám sát, tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10/2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành.
Từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như: Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đối với việc mua sắm ô tô thực hiện nhiệm vụ hiện nay còn rất nhiều bất cập, vô hình chung không đảm bảo tiết kiệm. Trong đó, Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn định mức mua sắm ô tô, quy định Văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một xe ô tô với mức giá không quá 720.000.000 đồng. Trong khi đó, công việc ở địa phương, ở cơ sở rất nhiều, một xe không đáp ứng được yêu cầu.
Hơn nữa, với mức giá 720.000.000 đồng như hiện nay chỉ mua được xe một cầu, không thể đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Thực tế hiện nay các địa phương phải thuê xe để đi công tác, với chi phí khá cao, như vậy chưa tiết kiệm mà còn lãng phí…
Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế nghị định 04, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị định mới phải đảm bảo được xác thực tiễn và đưa lại hiệu quả trong quản lý cao nhất, được xây dựng trên nguyên tắc bố trí xe ô tô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng căn cứ vào bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào diện tích, địa hình của từng địa phương để đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô một cách hợp lý…
Cán bộ không dám làm những việc cần phải làm, gây trì trệ cho bộ máy
Đại biểu Trần Hữu Hậu - đoàn Tây Ninh cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, trong một số trường hợp còn lớn ảnh hưởng đến sự phát triển. Sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển.
Lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy. Những câu chuyện về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.
Đại biểu cho rằng, trong những trường hợp này, tinh thần trách nhiệm, do nhiều nguyên nhân, đã không được phát huy đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần có sự lưu tâm xứng đáng cho những lãng phí vô hình này.
Theo đại biểu đoàn Tây Ninh, hiện nay, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, tuy nhiên, các quy định về sử dụng nguồn đầu tư công còn bất cập, làm phát sinh nhiều chi phí về thời gian, thủ tục.
Vì vậy, kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm trình hồ sơ Nghị quyết bổ sung quy định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa Luật Đầu tư công.
Đại biểu nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí trách nhiệm gây ra những hậu quả khôn lường đối với hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể, để không lãng phí trách nhiệm, lãng phí lòng tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của đất nước.