Thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 chiều ngày 31/10, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh |
Việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc khoa học, khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục, đã làm rõ thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Trần Đình Gia phản ánh, công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định; quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các điều kiện để quản lý nhà nước đối với các tỉnh khó khăn, góp phần để nâng cao thu hút đầu tư giúp các tỉnh này có nguồn thu ngân sách tốt hơn trong tương lai...
Nghiên cứu báo cáo và tài liệu giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - đoàn Bình Dương cho rằng, Đoàn giám sát đã công phu, khách quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chỉ rõ nhiều công trình, dự án cần tập trung tháo gỡ, nhìn nhận rõ những nguồn lực còn sử dụng chưa hiệu quả.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đại biểu cho rằng, các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi.
Nhấn mạnh việc chậm hoàn thành thể chế sẽ gây ra nhiều lãng phí về nguồn lực vật chất và tinh thần, đại biểu đề nghị cần bổ sung phân tích, đánh giá sâu hơn hạn chế này tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết, bổ sung giải pháp hàng đầu là công tác hoàn thiện thể chế.
Bên cạnh đó, đối với các lĩnh vực đã được chỉ rõ tại báo cáo giám sát, cần phân công trách nhiệm, tiến độ xem xét, báo cáo giải quyết các mâu thuẫn đó trên từng lĩnh vực, có quy định rõ cơ quan giám sát, thời hạn giải quyết, thời hạn báo cáo để thống nhất thực hiện, nâng cao hiệu quả giám sát. Ngoài ra, cần bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công, vì đây là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.