Cần có căn cứ, định lượng để lấy phiếu tín nhiệm
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Đại biểu Lê Thanh Vân - đoàn Cà Mau phát biểu thảo luận tại tổ |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - đoàn Cà Mau bày tỏ băn khoăn việc dùng từ "lấy phiếu tín nhiệm" hay "bỏ phiếu tín nhiệm". Đại biểu cho rằng cần bàn kỹ vấn đề này để dùng từ cho phù hợp.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là các chức danh lãnh đạo quản lý trong bộ máy nhà nước nhưng riêng Quốc hội không có chức danh lãnh đạo quản lý, các chức danh ở Quốc hội mang tính chất điều phối, chủ trì, điều hoà hoạt động. Phải bàn cho kỹ nếu không lại trở thành hình thức.
Về căn cứ lấy phiếu tín nhiệm, vấn đề này trên thực tiễn rất khó. Các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ để lấy phiếu là gì, nếu chỉ theo dõi thông tin trên báo chí thì không đủ, căn cứ vào báo cáo của từng chức danh thì không có vì luật và nghị quyết này cũng không quy định, trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm cũng không có báo cáo của các chức danh.
Nếu giả sử trước khi được bầu hoặc phê chuẩn mà các chức danh này có chương trình hành động, thì đấy được coi như "khế ước" thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, khi đó các đại biểu Quốc hội sẽ có căn cứ, soi vào đó để xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của chức danh đó.
"Nếu không có "khế ước" gì, các đại biểu Quốc hội khó có căn cứ gì để đong đếm, lường định được đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc" - đại biểu Lê Thanh Vân nói, đồng thời cho biết, ngay cả trong dự thảo Nghị quyết cũng không khắc phục vấn đề này là quy định yêu cầu phải có báo cáo công tác, báo cáo kết quả hoạt động. Phải có quy định làm căn cứ, dự thảo Nghị quyết nên có quy định về vấn đề này để làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội.
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu cho rằng, phải có điều hoặc khoản nào đó trong dự thảo Nghị quyết ghi rõ vấn đề này. Ví dụ, sau khi Ban kiểm phiếu công bố việc lấy phiếu tín nhiệm, những ai có số phiếu cao của tín nhiệm thấp - chiếm 50% trở lên, thủ tục tiếp theo là trình luôn Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy mới khẳng định được bản chất và ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
"Không có gì qua mắt được dân"
Cũng phát biểu tại phiên họp tổ, ông Nguyễn Quốc Hận - đoàn Cà Mau chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy không có gì qua mắt được dân, mặc dù có thể nói ra hoặc không nói ra nhưng dân đều biết ai làm tốt, ai làm không tốt, không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi. Cho nên chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm.
Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm |
"Quan điểm của tôi đã làm phải làm đến nơi đến chốn, cho nên đề nghị 5 năm chúng ta lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Mặc dù, tôi nghĩ kiến nghị này khó được tiếp thu, nhưng cũng là cơ sở để nghiên cứu cho những lần sửa đổi sau" - đại biểu đoàn Cà Mau nêu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hận, lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên sẽ diễn ra sau 2 năm bổ nhiệm các chức vụ. Đây là một kênh để rà soát, xem xét lại năng lực của cán bộ đó ở vị trí được bầu, được bổ nhiệm.
"Cán bộ không thể làm tất cả các vị trí, có thể anh làm tốt ở nhiệm vụ, chức vụ này, nhưng khi bổ nhiệm vào một nhiệm vụ, chức vụ khác sẽ có những vấn đề khác cho nên cũng có những giới hạn nhất định" - ông Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.
Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai diễn ra 4 năm sau khi giữ chức vụ. Lần lấy phiếu tín nhiệm này để xem xét lần cuối cho nhiệm kỳ mới. Sau 4 năm cán bộ nào làm tốt, chúng ta đều biết cả. Đây cũng là một kênh để chúng ta rà soát, bổ sung, quy hoạch và loại bỏ quy hoạch những cán bộ không được tín nhiệm.
Về phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Quốc Hận đề xuất chỉ có 2 mức là "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp". Khi lấy phiếu tín nhiệm, đối với những người có số phiếu "tín nhiệm thấp" trên 50% thì sau đó xem xét sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.
Qua mỗi nhiệm kỳ, ai có tín nhiệm thấp, không được tín nhiệm, lúc bỏ phiếu sẽ có 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm", ai có số phiếu "không tín nhiệm" trên 50% hoặc trên 75% thì sẽ tiến hành cho thôi chức, đồng thời loại ra khỏi quy hoạch trong nhiệm kỳ tới.