Chiều ngày 30/5, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Nghị quyết mới nếu được Quốc hội thông qua sẽ thay thế cho Nghị quyết số 85 năm 2014, đồng thời thể chế hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm ban hành tháng 2 vừa qua.
Về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến cho rằng, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa".
Vì vậy, đề nghị thiết kế quy định theo hướng trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức, trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, quy định như vậy vẫn bảo đảm phù hợp với tinh thần của Quy định số 96 và các luật liên quan vì theo quy định của Hiến pháp và các luật liên quan thì đối với các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn hiện không chia thành 2 quy trình hay 2 mức độ riêng cho việc cho từ chức và miễn nhiệm như các quy định trong Đảng
Liên quan đến quy trình lấy phiếu tín nhiệm, cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến cho rằng mặc dù dự thảo nghị quyết quy định người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhưng nếu thực hiện quyền này khi chưa có ý kiến thảo luận của đại biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc giải trình sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Do đó, ý kiến này đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung trình tự Quốc hội, Hội đồng nhân dân thảo luận tại hội trường trong trường hợp cần thiết và cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả thảo luận tại tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc này, theo ông Hoàng Thanh Tùng, là để bảo đảm quyền được giải trình của họ cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy cũng bảo đảm sự tương đồng với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hiện nay, có khoảng 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới.
Chiều nay (30/5), Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết này. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua vào chiều 23/6.