Sáng 24/6, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp đã phân tích và góp ý vào dự thảo Luật. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm rõ một số vấn đề: Cơ sở chính trị của cấp có thẩm quyền trong việc tiếp tục xây dựng dự thảo Luật này; dự thảo Luật trình lần này so với dự thảo trình Quốc hội khóa XIV có gì giống và khác nhau? Đánh giá tác động hệ thống chính trị thôn, bản hiện nay khi chế độ chính sách các đối tượng trong hệ thống này hầu như không có do hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự giác, tự nguyện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý vào dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở |
Đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định, thời gian qua lực lượng công an xã bán chuyên trách, tổ bảo vệ dân phố, đội dân phòng, dân quân tự vệ, dự bị động viên đã giúp cho chính quyền cơ sở trị an, yên dân.
Các lực lượng trên đã phối hợp với các tổ chức mặt trận và các đoàn thể thôn phát huy hiệu quả gắn với các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Việc đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở không chỉ của riêng lực lượng công an mà còn của toàn thể hệ thống chính trị cùng với đông đảo quần chúng tham gia.
Việc Chính phủ trình Luật hóa cho lực lượng công an xã bán chuyên trách, tổ dân phòng, đội bảo vệ dân phố và quần chúng tự nguyện tham gia không phân biệt giới tính, đủ từ 18 tuổi trở lên đảm bảo các tiêu chuẩn quy định như điều 4 của dự thảo Luật có thể trở thành tổ viên tổ an ninh trật tự ở cơ sở cũng được đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý một số vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, hiện ở thôn, bản, làng, ấp, xóm, bao gồm nhiều lực lượng như trên - nếu luật hóa chỉ có một bộ phận nhỏ chủ yếu là công an xã dôi dư, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, đội dân phòng được hưởng chế độ chính sách theo quy định thì cần làm rõ hơn. Trong khi hiện nay lực lượng trên đang rất ổn định và phối hợp hoạt động tốt với lực lượng công an xã trong thực thi nhiệm vụ.
Hiện, trên cả nước theo báo cáo của Bộ Công an có 103. 568 thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố tương ứng sẽ có 103.568 tổ an ninh trật tự. “Trong dự thảo Luật không quy định mỗi tổ có bao nhiêu thành viên chỉ quy định có tổ trưởng, tổ phó đồng thời là đội trường, đội phó đội dân phòng giao cho UBND cấp xã theo đề xuất của Trưởng Công an xã để quyết định số lượng thành viên của mỗi tổ. Tương tự mỗi tổ sẽ quyết định mức chi thực tế tùy thuộc vào điều kiện mỗi địa phương” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 24/6 |
Trong 3 nhóm đối tượng này chỉ có công an xã là bán chuyên trách được phụ cấp tính theo hệ số mức lương cơ sở và các phụ cấp khác, tổng chưa đến 30 triệu đồng/năm, còn tổ trưởng, tổ phó dân phố phụ cấp không đồng đều chỉ có TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là cao nhất; cùng với các tỉnh thành khác có ngân sách dồi dào thì mức bồi dưỡng cao hơn. Riêng các tình thành còn lại phụ cấp tùy thuộc điều kiện ngân sách, thường từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng, tổ viên càng thấp hơn.
Qua phân tích tình hình thực tiễn trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các cấp thẩm quyền, Quốc hội, Ban soạn thảo đề nghị giữ lại lực lượng công an xã bán chuyên trách và tăng mức phụ cấp, bồi dưỡng cho 70.867 người phục vụ trong bộ máy công an xã cùng với lực lượng công an chính quy thực hiện nhiệm vụ.
Lý giải về đề xuất trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, công an xã bán chuyên trách do am hiểu địa bàn và xuất thân tại địa phương nên thông thạo ngôn ngữ, địa hình, chữ viết hơn so với công an chính quy được chuyển đến từ địa phương khác và hay có sự thay đổi do yêu cầu công tác.