Đại biểu Quốc hội băn khoăn về mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tới năm 2025
Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phát biểu tại phiên họp tổ, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn thành phố Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban kinh tế liên quan đến việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Vì thế, việc ban hành kế hoạch là hết sức cần thiết cùng với các kế hoạch, mục tiêu quốc gia của Quốc hội, nên cần rà soát lại để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản Quốc hội đã ban hành” - Đại biểu Tạ Đình Thi nói.
Phiên thảo luận ở tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 |
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi cũng kiến nghị, cần báo cáo đánh giá kỹ bối cảnh nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 và đi theo đó là các kịch bản và đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, cần có khâu đột phá chiến lược là gì trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.
"Trung ương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2030, đóng góp 10% GDP cả nước. Vì thế, kế hoạch cần chú trọng đến việc phân vùng, liên kết kinh tế giữa các khu vực, tỉnh có kinh tế biển. Cùng với đó cần chú trọng phát triển kinh tế xanh" - đại biểu Tạ Đình Thi cho biết.
Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - đoàn Bình Thuận, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch Covid-19 do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực, tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Sau dịch thì hiện các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên Nghị viện các nước đều hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20 ngàn tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi, và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững”- đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nêu cụ thể.
Là người thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bà Phạm Thị Hồng Yến lưu ý, cần xác định đa mục tiêu để bảo đảm tiếp cận bao trùm bền vững, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế. “Hiện chúng ta phân ra là công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp nhưng cần quan tâm tới vấn đề y tế và giáo dục và coi như là “dịch vụ” - bà Yến nói.
Theo đó, y tế cần hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe. Từ đó có định hướng để nhà nước sử dụng gói đầu tư công để phát triển y tế dự phòng, y tế số để đóng góp cho tăng trưởng GDP. Còn giáo dục cần nâng cao kỹ năng của người lao động, đào tạo lại, nhất là các nguồn lực kinh tế cần ưu tiên, nâng cao năng lực kỹ năng số để phục vụ nền kinh tế.
Cũng nêu ý kiến tại phiên họp tổ, đại biểu Quàng Văn Hương - đoàn Sơn La chỉ ra, chúng ta cần cơ cấu lại vùng kinh tế, từ 7 vùng còn 6 vùng, trên cơ sở đó đẩy mạnh kết cấu nội vùng kinh tế để thúc đẩy kinh tế trong nội vùng. Hiện nay vẫn còn tình trạng cát cứ, kìm hãm, chưa có sự liên thông liên kết vùng.
Vì vậy phải chú trọng nghiên cứu kỹ hơn cho phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Ngoài ra, liên kết kinh tế nhóm tỉnh cũng chưa rõ, thiếu hẳn vai trò “nhạc trưởng” của các bộ ngành để kết nối thông qua đó tiếp cận thị trường hỗ trợ phát triển kinh tế vùng.
Chất lượng của doanh nghiệp mới là điều quan trọng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức lại không gian kinh tế của đất nước phù hợp với tình hình thực tiễn, đại biểu Nguyễn Chu Hồi - đoàn Hải Phòng kiến nghị, cần cơ cấu theo hướng chuyển dịch, giảm dần tỉ lệ điện than, tăng dần tỉ lệ điện bằng năng lượng sạch, tái tạo. Do đó, Chính phủ cần xác định rõ lộ trình thực hiện việc này. Ngoài ra, cần phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.
Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai phát biểu thảo luận tại tổ |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường- đoàn Hà Nội, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó cần chú trọng các lĩnh vực ưu tiên và phân định rõ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và khu vực nước ngoài cần làm gì? Cùng với đó là tái cấu trúc thành phần, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh.
“Việc đầu tư công có thể đặt hàng qua các tập đoàn tư nhân để tăng tính hiệu quả, nhà nước chỉ quản lý và giám sát. Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế biển nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Vì thế, vấn đề kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa”- đại biểu Hoàng Văn Cường gợi ý.
Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai cho rằng, kế hoạch này phải gắn với bối cảnh, tình hình hiện nay sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với tác động của dịch, tất cả nội dung, biện pháp, chỉ tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong tổng thể phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả dịch bệnh. Khi đặt trong tổng thế, thì mới có những chỉ tiêu, biện pháp điều hành hợp lý. Đồng thời, đại biểu cũng băn khoăn về mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp tới năm 2025. Giai đoạn vừa qua chúng ta đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp nhưng cũng chưa hoàn thành.
“Trong bối cảnh hiện nay phải đánh giá lại mục tiêu này. Doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế, nhưng khi chúng ta đưa ra số lượng 1,5 triệu, phải đánh giá tính khả thi. Chúng ta nên quan tâm chất lượng nhiều hơn là số lượng”- đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị và khẳng định, chất lượng của doanh nghiệp mới là điều quan trọng. Vì vậy, cần có những phân tích, đánh giá cụ thể về chất lượng doanh nghiệp trong nước, để từ đó có các cơ chế, chính sách tăng về chất lượng, không nên tập trung quá vào số lượng.