Nói về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn - Tổng cục Thuế, cho biết: Trong năm 2020, ngành thuế đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thuế để hỗ trợ về tài chính (giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, gia hạn tiền thuê đất…) giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Các chính sách nêu trên, năm 2021 tiếp tục được thực hiện và mở rộng hơn về qui mô, lĩnh vực, thời hạn, đối tượng… được hỗ trợ, kể cả các khoản chi phí DN hỗ trợ phòng chống dịch cũng đã được tính vào chi phí kinh doanh và được trừ khi tính thuế TNDN.
Ngành ngân hàng cũng đã hỗ trợ lớn cho DN bị ảnh hưởng do Covid-19 trong việc cơ cấu lại nợ, điều chỉnh nợ, miễn, giảm phí và lãi suất. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, để các ngân hàng thương mại có cơ sở giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất trị giá khoảng 32.000 tỷ đồng, với dư nợ khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Ước tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến hết năm 2021, các ngân hàng giảm lãi suất và phí với tổng trị giá khoảng 34.000 tỷ đồng.
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh trong bối cảnh mới |
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng rất nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước đã có trên 90.000 DN phải giải thể và ngừng kinh doanh (tăng 24% so với 2020). Qui mô hoạt động của nhiều DN đã bị suy giảm mạnh, nhiều DN còn hoạt động được cho đến nay nhưng đã bị đuối sức do mất doanh thu, mất dòng tiền...
Ông Vinh cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài đến quản trị quốc gia cũng như quản trị DN, cần phải có các chính sách mới trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ DN phải thực hiện đồng bộ, có tính cộng hưởng, liên tục, thông suốt, minh bạch, đúng đối tượng, qui mô hỗ trợ phải tương xứng với tác động của đại dịch gây ra, hỗ trợ phải có tính khả thi…. thì mới phát huy hiệu quả cao, giúp DN hồi phục nhanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Tính đến nay, số nợ đã được ngân hàng cơ cấu hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 so với thực tế còn thấp, mới đạt khoảng 230.000 tỷ đồng/530.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất và phí không còn nhiều. Lý do, khi cơ cấu nợ, các khoản này ngân hàng phải loại khỏi dự thu, không được hạch toán vào thu nhập, phải trích dự phòng rủi ro tối thiểu 30% ngay trong năm 2021 trên số dư nợ đã được cơ cấu. Khi cho vay, các ngân hàng đều xem xét giải quyết trên nền tảng nợ đã được cơ cấu, việc xem xét cho DN vay mới (nhất là vay ưu đãi) là rất khó do không đạt chuẩn vay. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, muốn giảm lãi suất tiếp cho DN, cần có cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng có dư địa thực hiện. Bên cạnh đó, cần có các chính sách tài khóa, tiền tệ đồng bộ để hỗ trợ. Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ DN bằng tiền thật, phát hành trái phiếu để lấy tiền hỗ trợ DN...
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính quốc gia, cho rằng, Nhà nước cần chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng hơn, nợ công tăng hơn để hỗ trợ cho DN phục hồi. Theo ông Lực, việc thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN thời gian qua vẫn còn hạn chế, các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Lý do, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính năm 2021 đang có dấu hiệu chùng xuống; thủ tục đầu tư vẫn còn nhiều rào cản, tỷ lệ DN phản ánh gặp khó khăn, trục trặc khi thực hiện đầu tư còn cao (40-50%); thủ tục xuất nhập khẩu vẫn còn những trục trặc. Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, trong giai đoạn tái hồi phục kinh tế, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…để tạo thuận lợi nhất, nhanh chóng đưa các dự án đầu tư công vào hoạt động; tiếp tục cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là hoạt động kiểm tra sau thông quan, xác nhận mã HS, xác định trị giá hải quan, cải cách triệt để kiểm tra chuyên ngành.
Tại diễn đàn nêu trên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đề xuất: Chính phủ cần tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất trong năm 2021-2022; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến tháng 6/2022; hỗ trợ tiếp cận tài chính để trả nợ lương, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ giảm chi phí chống dịch (xét nghiệm, khử khuẩn…), sớm tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động; tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 6/2022; làm giảm chi phí logistics; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thống nhất trên phạm vi toàn quốc không gây ách tắc; bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu cần được bảo vệ trong sản xuất, kinh doanh; ban hành các chính sách hỗ trợ dài hơi hơn, hình thành các chuỗi liên kết Việt Nam.