Luật sư nói gì khi Bách Đạt An bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp? Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát, quản lý đăng ký thành lập doanh nghiệp |
Chiều 15/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Đây là dự thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo nhằm thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Dự thảo có cấu trúc gồm 9 chương, 83 điều, bao gồm quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp; đăng ký tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; công bố, cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, liên thông, kết nối và chia sẻ thông tin; điều khoản thi hành.
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06; giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP xuất phát từ một số yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP được ban hành từ năm 2021 trên cơ sở triển khai Luật Doanh nghiệp. Qua thực tiễn triển khai cho thấy một số thay đổi như một số Luật mới được ban hành trong đó yêu cầu một số nội dung trong Nghị định số 01 phải thay đổi, ví dụ như liên quan đến Luật Tín dụng có quy định khác về đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Luật Hợp tác xã quy định về đăng ký hộ kinh doanh.
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên, cổ đông.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đổi mới thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cho rằng luật đăng ký doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư kinh doanh đã tiến một bước tiến rất dài, đã chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”, rút ngắn nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin, số hoá vào hoạt động đăng ký doanh nghiệp cũng giảm nhiều chi phí về thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai, vẫn còn một số tồn tại cần sửa đổi.
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Góp ý nội dung liên quan đến việc uỷ quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP và khoản 2 Điều 12 của Dự thảo, trường hợp uỷ quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu hoặc văn bản phân công nhiệm vụ của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh không chấp thuận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chỉ đính kèm văn bản uỷ quyền của doanh nghiệp, cá nhân cho tổ chức mà không đính kèm hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, việc bắt buộc đính kèm "bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp" là không phù hợp với thực tế, không làm tốt hơn bất kỳ mục tiêu quản lý nhà nước nào mà vô hình trung tạo thêm trở ngại cho doanh nghiệp, cá nhân. Bởi lẽ, nội dung của hợp đồng cung cấp dịch vụ không chỉ ghi nhận thông tin của các bên trong hợp đồng, nội dung dịch vụ thực hiện thủ tục đến đăng ký doanh nghiệp mà còn có nội dung thực hiện các dịch vụ pháp lý khác không liên quan đến đăng ký doanh nghiệp hoặc các thông tin bảo mật của doanh nghiệp, cá nhân người sử dụng dịch vụ. Các thông tin bảo mật này chỉ được doanh nghiệp, cá nhân cung cấp cho tổ chức được uỷ quyền như công ty luật, trên cơ sở các bên ký kết các thoả thuận bảo mật nghiêm ngặt.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Mạnh, về bản chất, hợp đồng cung cấp dịch vụ và văn bản uỷ quyền cho tổ chức cung cấp thông tin dịch vụ đều là văn bản thể hiện ý chí của doanh nghiệp, cá nhân đã đồng ý uỷ quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và tổ chức được uỷ quyền cũng đồng ý thực hiện công việc này. Vậy nên việc chấp thuận văn bản uỷ quyền của doanh nghiệp cho tổ chức thay thế cho hợp đồng cung cấp dịch vụ là phù hợp với quy định pháp luật về nhân sự.
Đại diện công ty Luật TNHH Bizlink cũng cho rằng, thực tế đã có một số doanh nghiệp và tổ chức được uỷ quyền buộc phải ký kết văn bản uỷ quyền cho cá nhân là người lao động của tổ chức do không thể cung cấp hợp đồng dịch vụ vì ký do bảo mật thông tin. Tuy nhiên, việc uỷ quyền chỉ có thể xem là phương án tạm thời trong trường hợp bất đắc dĩ, bởi về bản chất khi doanh nghiệp, cá nhân ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức được uỷ quyền, tổ chức sẽ là chủ thể nhận uỷ quyền và chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức có quyền phân công nhiệm vụ cho bất kỳ người lao động nào của mình mà không bắt buộc phải cho doanh nghiệp, cá nhân biết về thông tin của người lao động đó.
Tương tự, doanh nghiệp, cá nhân không có trách nhiệm phải biết cụ thể người lao động nào của tổ chức được phân công thực hiện hợp đồng. Không chỉ vậy, thưc tế, có nhiều doanh nghiệp có quy định nội bộ nghiêm ngặt, không thể cung cấp văn bản uỷ quyền cho cá nhân mà chỉ có thể ký kết văn bản uỷ quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục và không thể cung cấp hợp đồng dịch vụ do quy định về bảo mật.
“Do đó, việc pháp luật hiện hành cũng như Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp buộc đính kèm “hợp đồng dịch vụ” mà không chấp nhận “văn bản uỷ quyền” có thể xem là một quy định không hợp lý, không thể thực hiện mục đích quản lý nhà nước mà thay vào đó tạo thêm vướng mắc không cần thiết cho doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn đăng ký kinh doanh và tổ chức được uỷ quyền trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp” - Luật sư Nguyễn Đức Mạnh thông tin và kiến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi bổ sung quy định này theo hướng chấp thuận “văn bản uỷ quyền của doanh nghiệp cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp” thay thế cho hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh góp ý liên quan đến việc uỷ quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các đại biểu cũng góp ý các nội dung liên quan đến quy định của việc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nội dung liên quan đến danh sách cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; về thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp…
Trước những góp ý của các đại biểu, ông Nguyễn Khắc Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện cơ quan soạn thảo cho biết: Những nội dung góp ý tại hội thảo rất xác đáng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các nội dung góp ý, trong trường hợp không tiếp thu được thì sẽ có ý kiến giải trình cụ thể.