Cần đưa ra bản án nghiêm khắc, đủ sức răn đe
Những ngày qua, phiên toà xét xử 54 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu” luôn nóng trên các diễn đàn với sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp của vụ đại án “chuyến bay giải cứu”, việc dư luận xã hội có những ý kiến trái chiều xung quanh các tình tiết vụ án, quan điểm của các bên tham gia tố tụng, các bị cáo, đặc biệt là hình phạt áp dụng đối với bị cáo là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan tố tụng đang quá nương nhẹ cho các bị cáo khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ quá nhiều mà không xem xét tới tình tiết tăng nặng. Trong khi, các bị cáo tham nhũng với số tiền lớn, nhiều bị cáo đảm đương vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Nhà nước và hơn hết xảy ra chính trong hoàn cảnh dịch bệnh trước sự an nguy đối với sự sống của nhiều người.
Các bị cáo tại phiên toà |
Để hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý xoay xung quanh vụ án, trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nêu ý kiến, về việc đánh giá mức hình phạt dành cho bị cáo nặng hay nhẹ, phải xem xét, đánh giá toàn diện diễn biến của vụ án, đặc biệt là phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51, Điều 52 Bộ luật hình sự. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ án hình sự là một yếu tố quan trọng trong quá trình xét xử để hội đồng xét xử xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo.
Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên toà cho thấy, một số bị cáo trong nhóm nhận hối lộ đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân, nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội |
Như vậy, nếu xét theo diễn biến vụ việc và hành vi của các bị cáo, có thể thấy các bị cáo bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự như: Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (điểm l); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c); phạm tội 2 lần trở lên (điểm g).
Tuy nhiên, ngoài những tình tiết tăng nặng đã được pháp luật hình sự quy định, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, cần xem xét đến một yếu tố nữa, đó là các bị cáo trong vụ đại án nêu trên đều là những cựu lãnh đạo, quan chức cấp cao, là những người có trình độ cao, có đủ khả năng và điều kiện giúp đỡ người dân, nhưng lại lợi dụng hoàn cảnh khốn khó trong giai đoạn đại dịch hoành hành để “làm giàu” trên nỗi đau của người dân. Đây là điều không thể bênh vực được...
"Do đó, Hội đồng xét xử cần xem xét, đánh giá khách quan, cẩn trọng để đưa ra hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo nhận hối lộ" - luật sư Trần Xuân Tiền chỉ ra.
Bên cạnh đó, thông qua theo dõi quá trình tranh tụng, đối đáp, xét hỏi có thể thấy, các tội danh đối với từng bị cáo đã được các cơ quan tố tụng xác định rõ, chỉ còn vấn đề mâu thuẫn lời khai giữa cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) và cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an Hà Nội) về số tiền, chứng cứ trực tiếp. Vấn đề này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đưa ra rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều.
"Trước sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội, Hội đồng xét xử sẽ cần đánh giá thận trọng, nghị án kéo dài để có thể đưa ra những phán xét công tâm, khách quan, thuyết phục, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và đưa ra bản án có đủ sức răn đe nhưng cũng thể hiện được tinh thần nhân đạo và chính sách khoan hồng của pháp luật" - luật sư Trần Xuân Tiền nêu rõ.
"Bản án nặng nề nhất chính là bản án lương tâm"
Phân tích thêm về việc áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong vụ án, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi áp dụng hình phạt, Toà án sẽ cân nhắc khách quan, toàn diện hành vi phạm tội, các điều kiện, hoàn cảnh, dẫn đến phạm tội, đặc biệt là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để “lượng hình”, nhằm đưa ra mức hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Đối với vụ án “chuyến bay giải cứu”, mặc dù chưa tuyên án, nhưng qua phương tiện truyền thông, phần luận tội của Viện Kiểm sát, một số bị cáo đã phải chịu trách nhiệm hình sự với các tình tiết tăng nặng và một số bị cáo cũng được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm s, điểm t, điểm u, điểm v, điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng đã đề xuất lại mức án theo hướng giảm nhẹ cho các bị cáo, một số bị cáo được đề xuất án treo.
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm |
Tuy nhiên, Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, đối với vụ án này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo đó, việc áp dụng tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đều phải theo đúng quy định của pháp luật và xã hội đang rất cần một bản án thực sự công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, vừa thể hiện sự răn đe, cũng vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa.
"Đặc biệt, trong điều kiện toàn xã hội phải hy sinh, gồng mình chống dịch, các bị cáo lại lợi dụng điều đó để trục lợi thì rất khó để có thể biện minh cho hành vi của mình, và hơn ai hết, Hội đồng xét xử thấu hiểu điều đó và sẽ có những hình phạt xứng đáng" - luật sư Nguyễn Trọng Hoàng nói.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, để đưa ra được kết luận về tội danh và khung hình phạt đối với từng bị cáo, Hội đồng xét xử cần áp dụng quy định của pháp luật, căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi, xem xét khách quan toàn bộ nội dung vụ án trên cơ sở đánh giá các chứng cứ, tài liệu thu thập được; cũng như căn cứ các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo.
Hơn hết, theo Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, mặc dù có những bị cáo phải đối diện với khung hình phạt từ 10-20 năm tù, hay như có những bị cáo phải đối diện với mức án lên tới chung thân, thậm chí tử hình, song có lẽ, không có sự trừng phạt nào ghê gớm bằng sự trừng phạt của bản thân, của gia đình, của xã hội đối với các bị cáo. Và cũng không có bản án nào nghiêm khắc, nặng nề bằng chính bản án lương tâm của các bị cáo.
Luật sư Trần Xuân Tiền cũng nêu quan điểm, thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Hội đồng xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” cần thận trọng trong việc xem xét, đánh giá tình tiết, chứng cứ trong vụ án, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh, xét xử đúng người đúng tội. Đồng thời áp dụng nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, để đưa ra một bản án nhân văn nhưng vẫn đủ sức răn đe, tương xứng với hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho xã hội.