Hàng tấn đặc sản "một nắng" ở Phú Yên xuất đi khắp nơi dịp Tết Bánh phu thê - mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thủy chung Bánh sắn - đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ |
Phố Quán Gánh thuộc làng Thượng Đình, là một trong 4 làng của xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội - Quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Tương truyền, cách đây trên 500 năm, có một bà nông dân tên hiệu là Từ Hảo, thuộc dòng họ Nguyễn Trung trong làng Trung Thôn (cũng là một làng trong xã) ra làm một quán nhỏ sơ sài dưới gốc cây da cổ thụ, cạnh đường Thiên Lý Bắc Nam để bán nước vối cho khách đi đường. Nhiều người gánh hành lý, hàng hóa dừng chân uống nước đã quá mệt mỏi, bèn thuê người chồng bà Từ Hảo gánh hộ đoạn đường. Nhiều người trong làng, sau ngày mùa màng nhàn rỗi đã bắt chước vợ chồng bà Từ Hảo, ra dựng quán quanh khu vực cây đã cổ thụ để gồng gánh thuê. Dần dần tụ hội thành phố và dân dã gọi là phố Quán Gánh.
Bánh dày nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường và dừa bào. Ảnh vnexpress |
Dân làng Thượng Đình từ xưa sống chủ yếu bằng nghề nông, ngoài cấy lúa còn trồng hoa màu như đậu tương, đậu xanh, cà, dưa chuột và các loại rau xanh. Bản chất dân làng cần cù, thông minh và khéo tay, nên đã sớm học hỏi chế biến những nông sản để sinh hoạt thường nhật như muối cà, muối dưa, làm tương, làm bánh và dần dần trở thành hàng hóa. Nhưng nổi tiếng hơn cả là bánh dày, được bày bán ở các quán nước trong phố Quán gánh và đã trở thành đặc sản nổi tiếng.
Để có được chiếc bánh dầy ngon, dân làng Thượng Đình từ xưa đến nay đã truyền nhau thực hiện các công đoạn làm bánh, tuy đơn giản nhưng rất nghiêm ngặt. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là nếp cái hoa vàng, nếp quýt và đậu xanh lòng vàng và hương cà cuống. Tất cả các nguyên liệu trên đều được sản xuất ở quê hương.
Bánh dầy Quán Gánh đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Ảnh minh họa |
Gạo được đem vo, đãi sạch 2-4 lần nước và gạn hết tạp chất, rồi ngâm với nước lạnh khoảng 2-3 giờ. Sau đó được đãi cho sạch hết nước ngâm và để ráo nước trước khi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi gần chín, vẩy thêm ít nước ấm tay để xôi chín đều, chín rền (chất lượng của bánh được quyết định ở khâu này). Khi xôi phả mùi thơm nức, đem đổ ra cối hoặc buồm cói trải trên nền gạch, khẩn trương dùng chày xeo hoặc giã nóng. Khi giã xôi đạt độ nhuyễn, quyện vào nhau thành một khối dẻo quánh, trong trắng. Người thợ dùng tay sạch để vắt thành những nắm nhỏ, đều nhau và dàn vỏ bánh cho dẹt đều, sau đó bỏ nhân vào và vê kín lại… Để chiếc bánh có hình tròn, lòng chảo, người thợ phải bóp nhẹ tay cho chiếc bánh hơi dẹt. Làng nghề có câu “vo tròn rồi bóp bẹp”. Công đoạn cuối cùng là phong bánh thành 5 chiếc hoặc 6 chiếc bằng lá dong còn tươi, dán thương hiệu và buộc từng gói lạt đã được nhuộm đỏ.
Điểm khác biệt của bánh dầy Quán Gánh so với một số vùng miền khác chính là sự đa dạng của nhân bánh. Bánh dầy ở làng Quán Gánh gồm có 3 loại:
Nhân ngọt: Bánh dầy nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường và dừa bào. Các nguyên liệu được trộn đều với nhau, tạo ra nhân bánh có màu cánh kiến với độ ngọt hài hòa.
Nhân mặn: Bánh dầy nhân mặn có độ béo ngậy, thơm ngon với phần nhân được làm từ đỗ xanh, sợi cùi dừa, hành, thịt ba chỉ cùng một ít tiêu xay và chút nước mắm pha tinh cà cuống.
Bánh dầy chay: Bánh dầy chay là bánh không có nhân. Bánh thường được ăn kèm với giò, chả hoặc chè đường.
Đặc biệt, từ những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Dân làng Thượng Đình ngày đêm tấp nập làm bánh theo đơn đặt hàng của các đám lễ hội, đám đi du lịch đường dài và đặc biệt là các đám “nên duyên” đặt càng ngày càng đông.
Khi thưởng thức miếng bánh chay, càng nhai càng thấy dẻo và đượm vị ngọt của gạo nếp đồng quê. Thưởng thức bánh nhân mặn, vừa có vị béo của nhân mỡ hòa với vị bùi ngậy của cùi dừa, đỗ xanh và đượm hương cay của cà cuống nơi đầu lưỡi. Thưởng thức bánh dầy nhân ngọt là sự hòa quyện giữa vị ngọt của đường với vị ngọt đượm bùi của đỗ xanh…
Bánh dầy Quán Gánh từ xưa đến nay luôn được khách hàng dừng chân thưởng thức và mua về làm quà biếu.
Bánh dầy Quán Gánh, một món ăn không cao sang, cầu kỳ nhưng rất thanh tao, dân dã và là thứ quà chỉ ăn trong ngày. Là thứ bánh của nhà nông như bánh đa, bánh đúc nhưng mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, sâu sắc được liệt kê trong văn hóa ẩm thực của nước Việt.
Tháng 3 năm 2003, dân làng Thượng Đình long trọng tổ chức Lễ đón nhận “Bằng công nhận làng nghề chế biến bánh dày” của UBND tỉnh Hà Tây trao tặng. Đây là sự đánh giá, ghi nhận chất lượng đặc sản đã được tồn tại lâu đời của dân làng Thượng Đình, đồng thời cũng đánh dấu sự tôn vinh của Nhà nước và nhân dân đối với ẩm thực. |