Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường vùng DTTS&MN”, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã “mở đường” cho việc tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào |
Đặc sản địa phương “xuất ngoại”
Là một địa phương miền núi phía Bắc, diện tích rừng hồi toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 33.000 ha, trong đó hơn 10.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hồi hàng năm của tỉnh đạt từ 6.000 - 7.000 tấn. Từ lâu, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược của tỉnh Lạng Sơn. Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã có thương hiệu riêng khi được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2007. Trong vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ và tư vấn của ngành thương mại, ngành khoa học tỉnh, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến, sơ chế để đẩy mạnh việc xuất khẩu (XK) hồi. Chính vì vậy, đầu ra của sản phẩm đã ổn định hơn, giá có xu hướng tăng cao. Nếu như năm 2011, Lạng Sơn mới chỉ XK được trên 500 tấn hoa hồi khô thì đến nay, lượng XK đã lên đến hơn 2.000 tấn. Đặc biệt, không chỉ tăng dần về lượng, về giá mà các quốc gia quan tâm, nhập khẩu hồi của Lạng Sơn cũng đã tăng. Vài năm trước, hồi chủ yếu XK qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng đến nay, sản lượng lớn hồi khô đã được XK chính ngạch sang Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…
Nổi tiếng với cà phê Robusta được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia XK cà phê hàng đầu thế giới. Trong đó, Trung Nguyên được biết đến như là thương hiệu được người uống cà phê lựa chọn đầu tiên tại Việt Nam. Hiện cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được XK đến hơn 60 quốc gia trên thế giới và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Những ví dụ kể trên cho thấy, các đặc sản của bà con không những được ưa chuộng trong nước mà còn rất “được lòng” người tiêu dùng nước ngoài, đem lại lợi ích đáng kể cho bà con khu vực nông thôn, miền núi. Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản thực hiện, nước ta hiện có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và trên 750 đặc sản khác nhau. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, đặc biệt là đặc sản của địa phương miền núi đã đem lại thu nhập và việc làm cho trên 10 triệu lao động ở các vùng nông thôn của Việt Nam.
Cần chú trọng xây dựng thương hiệu
Dù tiềm năng của đặc sản miền núi Việt Nam là rất lớn nhưng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là XK các sản phẩm này hiện nay còn nhiều hạn chế. Cà phê Việt Nam, hồi Lạng Sơn... được ưa chuộng và XK với lượng lớn một phần do các sản phẩm này đã xây dựng được thương hiệu tương đối vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa nhiều sản phẩm làm được điều đó.
Đơn cử như cam Cao Phong (Hòa Bình) là sản phẩm đặc sản địa phương được người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng và đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhưng theo đánh giá, việc XK trái cây này vẫn còn ở thời tương lai. Để đưa sản phẩm cam Cao Phong bước vào các siêu thị, hướng tới XK, tỉnh Hòa Bình đang từng bước xây dựng Bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như Tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGap) hoặc xa hơn nữa là Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap). Từ đó đưa sản phẩm “xuất ngoại”.
Hay như miến dong Bình Liêu - sản phẩm nổi tiếng của Quảng Ninh, không đủ hàng để tiêu thụ trong nước, nhưng “chưa từng có ước muốn vươn xa”. Bởi lẽ, một phần do doanh nghiệp e dè trong việc mở rộng thị trường XK vì sự tự ti về giao tiếp - như thẳng thắn thừa nhận của lãnh đạo doanh nghiệp; phần khác cũng do lãnh đạo tại địa phương chưa mạnh dạn hướng họ tìm cơ chế, chính sách hoặc đầu tư sản xuất bài bản hơn.
Theo các chuyên gia, để sản phẩm đặc sản vùng miền có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường cần có một quy trình đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương cần phải làm cho người tiêu dùng trên thị trường cảm nhận được sự khác biệt về công dụng, đặc điểm… của sản phẩm. Trên hết, cần có sự bắt tay, liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Có một thực trạng, hầu hết doanh nghiệp xuất hàng qua châu Âu, Mỹ thường chỉ bán ở các chợ nhỏ lẻ của người Việt, cùng lắm là ở chợ dành cho người châu Á. Nguyên nhân khó tiếp cận được thị trường bản địa vì không hợp với khẩu vị của họ. Do đó, các doanh nghiệp, khi XK phải có sự nghiên cứu trước thị trường và có phương thức xây dựng thương hiệu, quảng bá mặt hàng rộng rãi.
Việt Nam có truyền thống nông nghiệp, nhiều đặc sản vùng miền nổi tiếng gắn với tên tuổi địa phương.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trong đó có các sản phẩm nông sản miền núi. Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp các sản phẩm này mở rộng thị trường tiêu thụ, có được chỗ đứng trên thị trường, mang lại lợi ích cho bà con nông dân, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm đặc sản cần tiếp tục liên kết chặt chẽ giữa các địa phương. Không chỉ liên kết đơn thuần dựa trên cơ sở địa phương sẵn có mà cần mở rộng về mặt không gian, tham gia vào sự phân công lao động nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu, đủ sức để chiếm lĩnh thị trường trong nước và XK ra nước ngoài. |