Những sản vật bán thường được treo lên như thế này để mọi người có thể biết ghe đó bán gì
CôngThương - Chợ nổi nhóm họp cả ngày, nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi.
Chợ nổi hầu như không thiếu một mặt hàng nào, từ cây kim, sợi chỉ cho đến các loại rau, củ, quả, đồ gia dụng..
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang
Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra. Người miền Nam sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông và rộng rãi như mặt nước sông hồ. Nhìn nhau mà đi, nhường nhịn nhau mà sống. Mặc dù nhóm họp trên sông, nhưng chợ nổi hầu như không thiếu một mặt hàng nào, từ cây kim, sợi chỉ cho đến các loại thực phẩm, đồ gia dụng. Và quán xá cũng theo người nhóm họp trên sông. Có thể tìm tại đây các món ăn dân dã mang đậm chất Nam Bộ như: Bánh tét, bánh nếp lá dừa, bánh cam, đậu hũ, bánh phồng, bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu vườn... với giá bình dân mà lạ miệng.
Ở miền Tây có nhiều chợ nổi, nhưng nổi tiếng nhất là chợ nổi Cái Bè (huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Châu Thành - Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau)...