Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta vào khoảng 10.000 kỹ sư nhưng nguồn nhân lực hiện nay đáp ứng chưa tới 20%. Tại TP. Đà Nẵng, hiện có một số công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… (đều là công ty nước ngoài) với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa 80%, số còn lại từ Duy Tân, Việt Hàn… Tiềm năng và nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới là rất lớn.
Đà Nẵng đầu tư cho phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn |
Dù biết “cung” còn “hụt” so với “cầu” tuy nhiên, theo nhiều đại diện các trường đại học, phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn còn nhiều khó khăn. Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, hầu hết các cơ sở đào tạo gặp khó về đội ngũ giảng viên kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư và việc vận hành một hệ thống thực hành – thí nghiệm cho lĩnh vực này rất lớn.
Tương tự, PGS.TS Hà Đắc Bình – Hiệu trưởng Trường công nghệ, Đại học Duy Tân - cho rằng, vi mạch bán dẫn là ngành học khá “kén” sinh viên bởi đòi hỏi người học phải có nền tảng về STEM cũng như trình độ ngoại ngữ vì phần lớn làm việc với các dự án nước ngoài.
Tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng hiện có gần 30 môn học liên quan đến công nghệ, thiết kế vi mạch. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng trường - cho biết, so với tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm (ở các ngành liên quan), số lượng sinh viên làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 10%. Năm 2024, trường dự kiến mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư “thiết kế vi mạch”. Đi kèm với đó sẽ mở rộng mạng lưới đào tạo, liên kết với các đại học lớn trong nước về đào tạo, nghiên cứu vi mạch dẫn; kết nối với các chuyên gia của các công ty thiết kế vi mạch đến giảng dạy, tuyển dụng tại trường.
Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, Đà Nẵng có thể hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các khóa học; có các chính sách thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc; xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa các quy trình quản lý, ưu đãi thuế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển trung tâm về chuỗi cung ứng và kho bãi… để tạo môi trường thân thiện, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng - cho biết, thành phố xác định vi mạch bán dẫn sẽ trở thành một trong những động lực mới phát triển kinh tế thành phố. Để thúc đẩy lĩnh vực mới mẻ này phát triển, Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, có tổ công tác để thực hiện hiệu quả đề án này. Song song, triển khai ngay chương trình đào tạo tăng tốc bằng cách chọn, thu hút các kỹ sư ngành gần vi mạch, bán dẫn (mới ra trường) để đào tạo chuyên sâu về vi mạch, bán dẫn. Các trường đại học của thành phố có kế hoạch cụ thể cho việc đào tạo nhân lực cho ngành này; thu hút chuyên gia vi mạch bán dẫn đến chuyển giao tri thức, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, bổ sung lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào danh mục hỗ trợ đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển thành phố để có nguồn lực cho đào tạo nhân lực, đầu tư phát triển chíp bán dẫn. Đặc biệt là rà soát toàn diện các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn hiện có tại thành phố để có những đề xuất chính sách hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp lĩnh vực này.