Cơ hội nào cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam? Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng xác định chíp bán dẫn là hướng đột phá phát triển kinh tế |
Sáng 19/10, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Ngành công nghiệp bán dẫn tạo giá trị gia tăng cao |
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là lỗ hổng lớn trong thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Đặc biệt, từ tháng 9/2023, khi Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đã mở ra những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như AI, công nghiệp bán dẫn, công nghệ năng lượng mới…. Tuy nhiên, thực tế triển khai các lĩnh vực này lại đứng trước nhiều rào cản do thiếu hụt về nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng.
Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, ở góc độ đào tạo nguồn nhân lực, đây là một ngành đào tạo không mới ở Việt Nam, đã có một số trường có khoa chuyên về đào tạo thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, đến nay, số sinh viên theo học và tốt nghiệp còn rất thấp. Lý do vì đây là ngành có chi phí đào tạo cao, mức đầu tư cao… Vì vậy, cần thiết phải gỡ được điểm nghẽn này để đáp ứng cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thông tin tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2022, kinh tế số chiếm 20% GRDP thành phố, với 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 về số lượng doanh nghiệp trong cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh). Thành phố đặt mục tiêu đến 2030, kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% GRDP, có 8.950 doanh nghiệp công nghệ số với 115.000 nhân lực công nghệ số, có tối thiểu 7 khu công viên phần mềm.
Đồng quan điểm với PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng đang có rất nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ, hiểu biết về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhân lực của lĩnh vực này hiện vẫn còn khá hạn chế.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng cần thiết đề xuất với Quốc hội một số cơ chế chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển |
“Vừa qua, tôi có dịp được trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, và tôi đã đề xuất là rất cần phải đề xuất với Quốc hội một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển cũng như cơ chế cho việc đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn. Mong Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cụ thể cho Chính phủ để có thể sớm có được các cơ chế, chính sách”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói và cho biết thêm.
Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn quy tụ các trường đại học lớn của cả nước, thống nhất cùng hợp lực hành động thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. |