Đà Nẵng: Thương mại - dịch vụ là trụ đỡ chính của kinh tế thành phố năm 2022 GRDP năm 2022 tăng 14,05%, Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tăng trưởng kinh tế |
Sáng 30/12, tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết mặc dù GRDP thành phố Đà Nẵng tăng trưởng cao nhưng đời sống người lao động lại khó khăn.
GRDP thành phố Đà Nẵng tăng trưởng 14,05% so với năm 2021 nhưng đời sống công nhân, người lao động thành phố vẫn rất khó khăn |
Lí giải cho tình trạng này, ông Vũ cho biết, GRDP thành phố Đà Nẵng năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao đứng thứ 3 cả nước.
Tuy nhiên, đây là tốc độ tăng trưởng so với năm 2021. Trong khi đó, kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2021 chỉ tăng 0,18% so với năm 2020, mà năm 2020 kinh tế Đà Nẵng lại tăng trưởng âm tới 9,26% với năm 2019. Tức là, kinh tế năm 2021 mặc dù tăng 0,18% nhưng nếu so với năm 2019 thì kinh tế thành phố vẫn đang tăng trưởng âm.
Năm 2022, quy mô kinh tế Đà Nẵng năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 125.219 tỷ đồng, đã mở rộng 14.032 tỷ đồng so với năm 2019. Nếu loại trừ đi yếu tố tăng giá thì GRDP Đà Nẵng năm 2022 tăng 6,34% so với năm 2019, trong khi tốc độ tăng dân số trung bình lại là 6,93% (tốc độ tăng GRDP nhỏ hơn tốc độ tăng dân số). Và như vậy, mặc dù kinh tế Đà Nẵng năm 2022 tăng 14,05% nhưng nếu thực tế so với năm 2019 (tình yếu tố giá, dân số) thì kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thoát khỏi mức tăng trưởng âm của 2 năm 2020 và năm 2021.
“Tốc độ tăng GRDP chỉ có giá trị thực để phản ánh hiện trang nền kinh tế khi kinh tế không có biến động mạnh. Còn nếu có biến động (ví dụ như dịch Covid – 19) thì phải sử dụng so sánh quy mô kinh tế mở rộng mới phản ánh đúng kinh tế thực tế. Vì vậy, GRDP Đà Nẵng năm 2022 tăng 14,05% chỉ cho thấy kinh tế thành phố đang có dấu hiệu phục hồi và đang phát triển”, ông Vũ làm rõ.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương tại thành phố Đà Nẵng năm 2022 đạt hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,3% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức thu nhập trung bình năm 2019 (năm 2019 thu nhập trung bình người lao động là gần 7,56 triệu đồng).
Thêm 1 vấn đề nữa đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Đà Nẵng năm 2022 tăng 4,32%, cao hơn mức tăng trung bình cả nước. Như vậy, Đà Nẵng chưa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022 như Quốc hội đã đề ra. Mức tăng này cũng cao nhất trong giai đoạn 2014 đến nay.
Lạm phát tăng trong khi (so với năm 2019) thu nhập trung bình giảm và quy mô kinh tế chưa tăng, điều này dẫn đến việc GRDP Đà Nẵng năm 2022 mặc dù tăng tới 14,05% nhưng đời sống của công nhân, người lao động thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn.