GRDP Đà Nẵng quý III/2022 tăng đột phá 39,15% |
GRDP Đà Nẵng năm 2022 tăng 14,05%
Ngày 9/12, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
GRDP Đà Nẵng năm 2022 tăng tới 14,05%, vượt xa so với kế hoạch đặt ra và đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng GRDP trong năm 2022 |
Nổi bật nhất là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, vượt xa so với kế hoạch đặt ra.
Trong các kịch bản khôi phục - phát triển kinh tế thành phố năm 2022 đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 thấp nhất là 4,9% và cao nhất là 8,11% so với năm 2021. Dù vậy, với sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã phục hồi với tốc độ nhanh. Nếu trong quý I/2022, GRDP quý chỉ tăng chưa đến 1% thì đến quý II/2022 GRDP đã tăng 12,37%, đến qúy III/2022 GRDP quý tăng đến 39,15%, kéo GRDP cả năm của thành phố tăng tới 14,05% so với năm 2021. Trong đó, dịch vụ tăng 17,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,39%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%. Với mức tăng trưởng này, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 3 của nước về tốc độ tăng GRDP năm 2022.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm 2022 (đến hết tháng 11/2022) đạt 23.578 tỷ đồng, 120,1% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2021; trong đó, thu nội địa là 18.348 tỷ đồng, đạt 121,4% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 5.201 tỷ đồng, đạt 115,6% dự toán.
Tính đến ngày 15/11/2022, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 10.058,93 tỷ đồng, gấp 2 lần về số vốn so với cùng kỳ 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố (IIP) năm 2022 ước tăng 9,1% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 37.686 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố Đà Nẵng năm 2022 ước tăng 9,1% so với năm 2021 |
Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết kinh tế thành phố năm 2022 vẫn còn những khó khăn như thu hút đầu tư FDI thấp; việc triển khai đầu tư mới các khu cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp (tính đến ngày 30/11/2022, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 66,2% kế hoạch Trung ương giao và đạt 50,1% kế hoạch HĐND thành phố giao).…
Năm 2023 tập trung khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư
Thành phố Đà Nẵng xác định chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.
Để triển khai thực hiện chủ đề trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, nhất là thực hiện Chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các chính sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Rà soát, triển khai kế hoạch phục hồi các ngành kinh tế có đóng góp lớn và là mũi nhọn, thế mạnh của thành phố nhưng sụt giảm trong năm 2022.
Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh theo các Đề án, chương trình đã đề ra và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, tái thiết đô thị, khu dân cư xuống cấp, chung cư, nhà ở xã hội, dự án thoát nước; xây dựng bản đồ ngập úng, hệ thống cảnh báo ngập úng. Triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Việc khôi phục lại hoạt động du lịch, nhất là "mở cửa bầu trời" từ tháng 3/2022 đã tạo đà để ngành thương mại dịch vụ Đà Nẵng năm 2022 tăng trưởng tới 17,85% |
Tăng cường xây dựng Đảng; tăng trường công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng. Tập trung công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, qua đó, phát hiện, khắc phục các sơ hở trong công tác quản lý nhà nước ở các cấp; cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ vì mục đích tư lợi và tham nhũng.
Chăm lo an sinh xã hội. Trong đó lưu ý, thực hiện các giải pháp giải quyết việc làm, chú trọng hỗ trợ, đào tạo, thu hút, tuyển dụng bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội không để tái diễn, phát sinh tình trạng tập trung đông người, khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến các dự án đầu tư bất động sản, ngân hàng…