Ớt Bồ Bản được mùa nhưng giá giảm xuống mức 5.000 - 7.000 đồng/kg |
Được mùa mất giá
Vùng ớt Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang,TP. Đà Nẵng) được quy hoạch có diện tích trồng ớt hơn 1,3 ha theo tiêu chuẩn vùng canh tác an toàn, với 27 hộ tham gia sản xuất.
Thổ nhưỡng phù hợp, nằm bên cạnh sông, ớt Bồ Bản nổi tiếng đặc ruột, có mùi thơm, vị cay nồng và được hướng trở thành sản phẩm nông sản tiêu biểu của xã Hòa Phong (Hòa Vang). Cũng nhờ chất lượng ổn định, các sản phẩm ớt Bồ Bản hầu như không gặp khó khăn khi ra thị trường và luôn được các thương lái “ưu ái” thu mua.
Năm nay, các hộ dân trồng ớt tại thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) và một số thôn khác thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) được mùa ớt bội thu. Tuy nhiên, dịch Covid – 19 tái bùng phát, thương lái không thu mua khiến nguy cơ ùn ứ nông sản lại hiện diện. Mặc dù ớt Bồ Bản nổi tiếng, nhưng vẫn không nằm ngoài vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”.
Là một trong những hộ gia đình tham gia trồng ớt ngay khi vùng ớt được quy hoạch và triển khai, bà Dương Thị Tuyết (70 tuổi, thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) cho biết gia đình bà trồng 1,5 sào (sào Trung bộ 500m2=1 sào). “Năm ngoái thì mất mùa, ớt được thương lái thu mua tới 30.000 đồng/kg không có để bán. Nhưng năm nay thì ngược lại, ớt trĩu cây, nhưng nhìn cả vùng ớt không thấy bóng một thương lái nào”, bà Tuyết nói và cho biết giá thu mua ớt tại vườn hiện dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.
Không chỉ có ớt Bồ Bản mà còn nhiều hecta ớt và nhiều nông sản khác như bí đao tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trước nguy cơ ùn ứ nông sản, hội Nông dân, hội Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã kêu gọi hội viên hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, ngày 18/5, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản đề nghị các siêu thị trên địa bàn thành phố hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hòa Vang.
PC Đà Nẵng hỗ trợ tiêu thụ 1 tấn ớt Bồ Bản |
Vượt ngoài sự kì vọng, với sự chung sức của người dân thành phố, đến hết ngày 31/5 (đơn hàng đã nhận đặt) đã có khoảng 14 tấn nông sản (chủ yếu là ớt và bí đao) đã được tiêu thụ. Riêng bí đao đã thoát khỏi nguy cơ ùn ứ.
Ông Bùi Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, thông qua sự kết nối của Sở Công Thương thành phố, mỗi ngày, các siêu thị trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ trung bình khoảng 1 tấn bí đao và ớt. Đối với sản phẩm ớt, riêng Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã hỗ trợ tiêu thụ 1 tấn.
Cần có hướng đi lâu dài cho đầu ra nông sản
Theo ông Bùi Dũng, đến thời điểm hiện tại, các nông sản trên địa bàn xã Hòa Phong cơ bản đã được tiêu thụ. Cùng với đó, với việc TP. Đà Nẵng đã kiểm soát tốt dịch Covid – 19, nhiều ngày không có ca nhiễm Covid – 19 mới trong cộng đồng, TP. Đà Nẵng sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới, kéo theo sự hoạt động trở lại của các quán ăn, nhà hàng…. sức tiêu thụ nông sản sẽ theo đó mà kì vọng tăng trở lại.
Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào vấn đề đó là kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản chỉ là giải pháp tạm thời ở một thời điểm nhất định. Trong khi đó, các vấn đề khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh diễn ra ở mức độ ngày một nghiêm trọng, kéo dài. Và nông sản được mùa không chỉ tiêu thụ ngày một ngày hai là hết.
Sở Công Thương Đà Nẵng đã kết nối các siêu thị trên địa bàn thành phố để tiêu thụ nông sản (chủ yếu là ớt và bí đao) cho nông dân Đà Nẵng (Ảnh: Ớt Bồ Bản trên kệ tại siêu thị Danavimart Đà Nẵng) |
“Mặc dù hiện tại ớt đã không còn ùn ứ nhiều. Nhưng nếu cứ mỗi ngày thu hoạch trung bình 300 kg (riêng ớt Bồ Bản) thì kêu gọi mua hỗ trợ không phải là lời giải cho lâu dài”, ông Bùi Dũng nói. Ở góc độ và kinh nghiệm quản lý kinh doanh nông sản VietGap, ông Bùi Dũng cho rằng lời giải về tiêu thụ nông sản có thể đến từ thương mại điện tử. Thông qua một số chương trình kết nối cung cầu thương mại điện tử cho các sản phẩm của HTX Rau an toàn Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã cho thấy hiệu quả tích cực và tính lâu dài trong tiêu thụ nông sản của phương thức thương mại điện tử. “HTX Rau Túy Loan đang xúc tiến xin thành lập một trang giao dịch thương mại điện tử cho riêng sản phẩm nông sản. Chúng tôi kì vọng đây sẽ là nơi chuyên trao đổi, mua bán các nông sản của TP. Đà Nẵng, góp phần giải quyết được bài toán “được mùa mất giá” kéo dài”, ông Bùi Dũng – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Phong, Giám đốc HTX Rau Túy Loan chia sẻ và thông tin thêm: “Trong các đợt “giải cứu” nông sản vừa qua, chúng tôi cũng tận dụng triệt để các mạng xã hội như facebook, zalo để làm nơi giao dịch, tiếp nhận các đơn hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyên nghiệp hơn việc bán hàng qua các kênh này để khai thác hiệu quả thương mại điện tử cho nông sản địa phương”.
Cùng với đó, theo ông Dũng, cần phải tính đến việc sơ chế, chế biến nông sản thay vì chỉ xuất bán thô (cắt tại vườn và tiêu thụ) như hiện tại. "Ví dụ như đối với sản phẩm ớt, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể tạo ra các sản phẩm như tương ớt, ớt dầm... để vừa tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho nông sản cũng như bảo quản được sản phẩm lâu dài", ông Dũng nói.