Tạm giữ 10.000 khẩu trang để làm rõ nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của hàng hóa |
Theo đó, 4 thùng khẩu trang chứa 200 hộp khẩu trang (50 cái/hộp, tổng 10.000 chiếc khẩu trang) trên nhãn bao bì ghi khẩu trang Quyền Anh – khẩu trang than hoạt tính xuất khẩu, địa chỉ sản xuất khẩu trang: Công ty TNHH May Mặc Quyền Anh, MST 2300940167 (địa chỉ: Thôn Xuân Lai (NR Nguyễn Kim Cương), xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh là ông Lương Hữu Bảy (SN 1990, quê quán: Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, ông thuê địa chỉ 102 Hoàng Văn Thái để kinh doanh mặt hàng dầu nhớt, tuy nhiên không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh (theo lời ông Bảy là do mới hoạt động từ tháng 5/2020 nên chưa kịp hoàn thiện giấy tờ). Đối với lô hàng khẩu trang trên, ông Bảy cho biết mua từ một người quen ngoài xã hội tên là Tiến.
Sau khi đoàn kiểm tra đến làm việc được khoảng 30 phút, một người đàn ông tên Nguyễn Văn Tiến (quê Nghệ An, trú tại 102/24Đ, Cống Quỳnh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) có mặt tại 102 Hoàng Văn Thái và nhận lô hàng trên của của mình. Ông Tiến cho biết, ông cùng bạn bè hùn tiền mua lô hàng 30 thùng khẩu trang của Công ty TNHH May mặc Quyền Anh. Hiện 26 thùng khẩu trang đã được phân phát hết, để lại cho ông Lương Hữu Bảy 4 thùng.
Ông Tiến xuất trình hóa đơn chứng từ mua hàng số 0000123, ngày 26 tháng 7 năm 2020. Đơn vị bán hàng: Công ty TNHH May Mặc Quyền Anh, MST 2300940167 (địa chỉ: Thôn Xuân Lai (NR Nguyễn Kim Cương), xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Người mua hàng tên Nguyễn Văn Tiến, địa chỉ 102/24Đ, Cống Quỳnh, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Cùng một số giấy tờ khác.
Đáng chú ý, hóa đơn đỏ tên hàng hóa dịch vụ là khẩu trang 4 lớp, số lượng 3 thùng, đơn giá 825.000 đồng/thùng (50 hộp, 1 hộp 50 cái), tổng tiền là 24.750.000 đồng. Như vậy, mỗi hộp khẩu trang này mua vào có giá 16.500 đồng (tức là 330 đồng/cái).
Theo lời bà Trần Thị Mừng (vợ ông Bảy), khi ra tiệm thuốc mua khẩu trang nhưng hết, hoặc có nhưng đắt, thấy ông Tiến bán đã đặt mua. Trao đổi với báo Công Thương, ban đầu bà Mừng cho biết mua về chia cho hàng xóm, gia đình mỗi người vài hộp để dùng, bà mua vào với giá 50.000 đồng/hộp, 4 thùng là 10 triệu đồng. Về sau bà Mừng lại nói là bà tin tưởng ông Tiến nên “chỉ nghe nói là khoảng 40.000, 50.000 đồng/hộp, chứ không rõ lắm, cũng chưa giao tiền”.
Khi cơ quan chức năng yêu cầu ký biên bản tạm giữ hàng hóa, lúc đầu, ông Bảy từ chối, nhưng sau khi nghe cơ quan chức năng giải thích chỉ tạm giữ làm rõ, nếu đúng sẽ trả lại theo quy định, ông Bảy đã đồng ý ký biên bản làm việc và giấy để niêm phong hàng (chữ ký chủ hàng).
Trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Văn Tiến - Người tự nhận là chủ lô hàng nhiều lần cản Bảy không ký biên bản làm việc và lớn tiếng cho rằng việc cơ quan chức năng tạm giữ hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến ông và nhiều người. “Nếu các anh tạm giữ, dân chúng tôi không có mà sử dụng ấy, mà để lây nhiễm virus (Covid – 19) thì các anh chịu trách nhiệm đấy, được chưa”, “Bây giờ khẩu trang không phát cho dân kịp ấy là các anh giữ hàng chỉ cần muộn đi 1 giờ thôi là dân đã bị nhiễm bao nhiêu là virus”. Lực lượng chức năng đã yêu cầu ông Tiến không phát ngôn sai sự thật về việc trên vì thị trường khẩu trang Đà Nẵng không khan hiếm, kể cả khẩu trang y tế.
Ông Lương Hữu Bảy ký biên bản làm việc |
Vụ việc sẽ tiếp tục được lực lượng chức năng làm rõ và xử lý theo quy định.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
200 hộp khẩu trang có bao bì Khẩu trang Quyền Anh, bà Mừng (vợ ông Bảy) lúc đầu cho biết vợ chồng bà đặt mùa 4 thùng với giá 10 triệu đồng (50.000 đồng/hộp) chia cho hàng xóm, gia đình, nhưng về sau lại cho biết "nghe nói là 40.000, 50.000 đồng/hộp chứ không biết rõ" |
Hóa đơn ông Nguyễn Văn Tiến xuất trình và cho rằng ông và ông Bảy cùng một số người hùn tiền mua 30 thùng khẩu trang về dùng, phần ông Bảy 4 thùng |
Lực lượng QLTT Đà Nẵng thông báo nội dung tạm giữ lô hàng |
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng việc tạm giữ lô hàng 10.000 khẩu trang thì gia đình, người quen của ông không có dùng, chỉ cần trễ một giờ thì nhiều người có khả năng nhiễm virus và cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm |
Sau khi làm việc, giải thích, đến gần 20 giờ ngày 29/7, ông Bảy mới ký vào biên bản làm việc và tạm giữ hàng hóa, lực lượng chức năng tiến hành niêm phong hàng hóa và tạm giữ để làm rõ và xử lý theo đúng quy định |