Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đầy ắp các kệ hàng |
Hàng đầy kệ, sức mua tăng nhẹ, không xảy ra tình trạng mua hàng tích trữ
Trái ngược với tình trạng nhiều người dân đổ đến các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lương thực thực phẩm mua hàng về trữ hồi giữa tháng 3/2020, khi Đà Nẵng có những ca Covid – 19 đầu tiên, trong 3 ngày gần đây, đặc biệt là trong chiều 27/7, khi UBND TP. Đà Nẵng có thông báo về việc sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 6 quận (bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7, huyện Hòa Vang giãn cách theo Chỉ thị 19) các chợ truyền thống vẫn giao dịch bình thường, lượng người đến mua sắm tại chợ không có biến động, tại các siêu thị lượng giao dịch có tăng so với những ngày trước khi có ca nhiễm Covid – 19 trở lại (BN416), nhưng không tăng nhiều, không có đột biến, không có bất kỳ mặt hàng nào hết hàng cục bộ, và không có tình trạng người dân mua lương thực, thực phẩm tích trữ.
Chiều tối 27/7, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Ngô Quyền vẫn hoạt động bình thường tuy nhiên đơn vị này đã có thông báo rộng rãi đến khách hàng về việc tạm đóng cửa các gian hàng trong TTTM bắt đầu từ 0h ngày 28/7 theo Chỉ thị 16. Riêng Siêu thị VinMart và MediCare vẫn hoạt động hoạt động bình thường, thời gian mở cửa từ 8 giờ - 22 giờ hàng ngày. Khách hàng đến mua sắm sẽ được kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn tay....
Trao đổi với báo Công Thương, ông Nguyễn Minh Thương – Giám đốc Siêu thị Lottemart Đà Nẵng cho biết lượng giao dịch trong chiều tối 27/7 tại siêu thị tăng nhẹ. Theo ông Thương, người dân Đà Nẵng đã trải qua 1 cuộc chiến với Covid – 19 nên mọi người ai cũng tự giác. Lượng người đến mua hàng có tăng nhẹ nhưng rải đều thời gian, không có chen lấn, mọi người tự động thực hiện tốt giãn cách khi mua hàng và tính tiền, tất cả mọi hàng hóa tại siêu thị hiện đều trong tình trạng đầy đủ hàng. “Siêu thị đảm bảo hàng hóa đủ và cam kết không tăng giá. Lottemart cũng cam kết hỗ trợ vận chuyển, giao hàng, phục vụ bán hàng tại các khu vực bị phong tỏa (nếu có) trong trường hợp được huy động”, ông Thương chia sẻ.
Sức mua tại các siêu thị có tăng nhưng không có yếu tố đột biến, không khan hàng, hết hàng cục bộ hay tăng giá |
Ghi nhận của Phóng viên tại siêu thị MM Mega Market vào chiều, tối 27/7 lượng khách đến siêu thị rải rác, đông hơn so với một vài ngày trước đây. Khách hàng khi vào siêu thị sẽ được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, tay vịn xe đẩy hàng và được yêu cầu mang khẩu trang khi vào siêu thị. Mặt hàng nước rửa tay, khẩu trang (y tế và khải kháng khuẩn), lương thực, thực phẩm thiết yếu được đặt ngay tại cửa vào ở vị trí dễ thấy nhất để người tiêu dùng lựa chọn. Các mặt hàng này phong phú, đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng, đảm bảo về chất lượng, niêm yết giá rõ ràng, bình ổn. Khi khách hàng tính tiền đứng đúng vị trí giãn cách đã được đặt sẵn.
Các mặt hàng được lựa chọn mua chủ yếu là các thực phẩm chế biến ăn liền, đồ hộp, đồ đóng gói, mì tôm, trái cây, nước rửa tay…. Theo quan sát của phóng viên, không có khách hàng nào mua quá nhiều thực phẩm để tích trữ, mà mỗi loại sản phẩm chỉ mua 1 ít. Hàng hóa được cung ứng lên kệ liên tục, không có tình trạng trống kệ hàng.
Riêng tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng, lượng khách đến đến mua sắm trong chiều tối 27/7 tăng khá mạnh. “Khách hàng chủ yếu mua lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, mọi người đều bình tĩnh mua sắm. Hàng hóa đầy đủ, đa dạng chủng loại, giá cả ổn định, không có bất kỳ mặt hàng nào hết hàng cục bộ hay trống kệ hàng, giá cả bình ổn”, ông Phan Thống – Giám đốc Siêu thị thông tin.
Cô Lê Thị Hoa (bên trái) cho biết gia đình cô không mua đồ tích trữ, thiếu gì hay hết gì sẽ đến tạp hóa, chợ để mua |
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ cửa hàng tạp hóa Thanh Tuyền, 30 Châu Thượng Văn (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết lượng người đến mua hàng hóa thiết yếu trong vài ngày gần đây có nhiều hơn, nhưng không có tình trạng đông đúc hay tăng đột biến. “Chỉ đông hơn ngày thường 1 chút. Hàng hóa đầy đủ, giá các mặt hàng vẫn thế, không tăng. Người dân chỉ mua mỗi thứ 1 ít, chứ không như lần trước có hiện tượng tích trữ”.
Ông Trương Tiến Dũng, chủ đại lý gạo Tiến Dũng (68 Lê Đình Dương, Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết lượng gạo bán ra khoảng 3 ngày gần đây có tăng so với những ngày trước, nhưng không nhiều. “Đợt Covid – 19 trước (hồi tháng 3/2020) nhiều người dân đến mua gạo về trữ, nhưng lần này thì không. Mọi người đều biết là gạo không thiếu cũng không hết được nên không có hiện tượng mua về trữ nữa”, ông Dũng thông tin và cho biết giá các loại gạo không có biến động. “Hàng về liên tục, hiện tại ở kho đang còn khoảng 8 tấn gạo và xe hàng khoảng 10 tấn gạo đang trên đường về, đảm bảo không bị đứt hàng hay khan hàng”.
Tương tự, tại các chợ truyền thống hoạt động mua bán, giao dịch vẫn diễn ra bình thường.
Người dân Đà Nẵng bình tĩnh chống dịch, nói “không” với tích trữ hàng hóa
Đang mua hàng hóa thiết yếu tại tạp hóa, cô Lê Thị Hoa (42/9 Tiểu La, Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết mọi hoạt động của gia đình cô vẫn diễn ra bình thường. “Cô không thấy có gì phải lo lắng. Cô cũng không mua đồ gì tích trữ. Hàng hóa đầy đủ, có thiếu đâu, trữ làm gì”, cô Hoa nói và chia sẻ: “Chồng cô ốm nằm ở bệnh viện C, hiện bệnh viện đã bị phong tỏa, cách ly. Tuy nhiên, gia đình cô không quá lo lắng, cô tin tưởng chính quyền sẽ làm tốt việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Người tiêu dùng dễ dàng mua khẩu trang y tế, nước/gel rửa tay diệt khuẩn tại các siêu thị |
Còn chị Nguyễn Huyền Trang (Nguyễn Đức Trung, Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết chị tiện đường ghé siêu thị mua thực phẩm. “Mỗi loại tôi mua một ít, chỉ dùng 1 – 2 ngày thôi. Tôi không có tâm lý trữ hàng hóa. Lần trước cũng vậy, hết mình có thể gọi siêu thị giao hàng, rất tiện lợi”, chị Trang nói.
Anh Phạm Duy Anh (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì cho biết trong đợt dịch lần này anh mua khẩu trang, gel rửa tay khá dễ dàng. “Gia đình 4 người nên mình mua hai hộp khẩu trang 50 cái giá 95.000 đồng/hộp và 4 lọ gel rửa tay loại 100ml giá 21.000 đồng/lọ. Giá cả niêm yết rõ, hàng hóa mua ở siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn yên tâm về chất lượng”, anh Duy Anh cho hay và nói thêm “ở nhà mình không trữ đồ. Tạp hóa ngay gần cạnh nhà, có thiếu gì đâu. Lần dịch trước cũng đi mua 1 thùng mì tôm, một ít thịt hộp mà về có dùng hết đâu. Trong khi chợ, siêu thị, tạp hóa ngày nào cũng mở cửa. Rút kinh nghiệm, lần này không mua gì trữ hết, dùng đến đâu mua đến đó”.
Các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng, bán mang đi
Ngay trong đêm 27/7, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các đơn vị UBND các quận, huyện; Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các BQL các chợ quận, huyện thông báo đến các cơ sở kinh doanh, bắt đầu từ ngày 28/7, chỉ cho phép mở cửa các loại hình Khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất; Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Các siêu thị, đơn vị, cơ sở sản xuất thiết bị y tế đảm bảo nguồn hàng cung ứng hàng hóa đảm bảo cung cấp đủ cho người dân |
Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch; Khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Các chợ, TTTM, siêu thị, đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, cơ sở sản xuất thiết bị y tế xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Một số hình ảnh tại các chợ, siêu thị trong chiều 27/7:
Người tiêu dùng được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào siêu thị MM Mega Market |
Mặt hàng Gel rửa tay, khẩu trang đặt ở vị trí dễ thấy nhất và luôn đầy kệ hàng, giá bình ổn |
Lương thực, thực phẩm thiết yếu luôn đầy ắp tại các siêu thị |
Người tiêu dùng đã không còn tích trữ hàng hóa, mà chỉ mua vừa đủ dùng trong 1 - 2 ngày, sau đó có thể qua siêu thị, chợ hoặc đặt hàng để được giao đến tận nhà |
Xếp hàng tính tiền đúng khoảng cách, người tiêu dùng cũng ý thức tự giác về việc mang khẩu trang |
Lượng người mua bán, giao dịch tại chợ Cồn ngày 27/7 thưa thớt, 100% tiểu thương mang khẩu trang khi bán hàng |