Điểm mặt dự án
Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, hiện đại, đáng sống và là hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đó, thành phố cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót dẫn đến những dự án giao đất, cho thuê đất sai phạm, bị kiểm toán, thanh tra kéo dài nhiều năm, gây ra tình trạng lãng phí nguồn đất đai rất lớn, trong khi đó, quỹ đất của Đà Nẵng rất hạn hẹp so với các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cần có những cơ chế, giải pháp căn cơ để Đà Nẵng xử lý dứt điểm tình trạng này để thực sự phát triển đúng kỳ vọng, tạo được niềm tin cho nhân dân.
Năm 2005, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu đôla. Năm 2015, dự án chuyển nhượng cho Công ty Xây dựng 79, công ty này lại chuyển nhượng cho Công ty Đa Phước. Sau đó, Công ty Đa Phước đã bán một phần các căn hộ và đưa gần 200 hộ dân vào ở. Năm 2017 - 2019, khởi tố bắt tạm giam Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm liên quan đến các sai phạm đất đai. Năm 2020, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án 29ha tại khu Đa Phước. Tuy nhiên, bản án này rất khó thực hiện bởi gần 200 hộ dân mua nhà, đất đều đúng quy định pháp luật. Và đến nay, những hộ dân này đều bị tạm dừng cấp sổ đỏ, và họ đang sinh sống bất hợp pháp trong chính căn nhà của mình.
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước gây lãng phí nguồn tài nguyên đất cho thành phố Đà Nẵng |
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án 29ha theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, nhiều dự án đã treo hàng chục năm, chiếm dụng hàng chục hécta đất “vàng” như Dự án Viễn Đông, rộng 1,2ha, đầu tư năm 2008, Dự án Đà Nẵng Center, rộng gần 8.000m2, đầu tư năm 2008, hay dự án Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim 1,4ha, đầu tư 2014, cam kết hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang và nhiều dự án treo khác tại khu vực trung tâm thành phố. Địa phương đã nhiều lần ra tối hậu thư yêu cầu các chủ đầu tư phải triển khai xây dựng, nếu không sẽ thu hồi, hoặc đã quy hoạch một số dự án chậm triển khai sang xây dựng công trình công cộng nhưng không có nhiều chuyển biến.
Ông Lê Văn Thanh - sinh sống tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng cho hay, toàn bộ khu này nói đúng ra là người dân sống trên nhà mình mà giống như dân vô gia cư, vì đâu có tính chất pháp lý, gây ra rất nhiều bất tiện cho cuộc sống, con cái, học hành, điện nước... Trong thời gian tới tôi mong rằng chính quyền thành phố cùng với Nhà nước làm sao tập trung giải quyết cho người dân khu này được hưởng quyền lợi chính đáng để người dân được sinh sống ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Hòa - phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng bức xúc, chúng tôi thấy vô cùng thất vọng, phải làm thế nào khắc phục được những tình trạng này, những nơi mà chúng ta thu hồi được thì khẩn trương thu hồi, những nơi mà chúng ta làm được thì khẩn trương triển khai để người dân thấy được trước mắt chúng ta không còn những cảnh hoang tàn của công trình dự án bỏ hoang. Lãnh đạo Đà Nẵng phải nghiên cứu biện pháp tháo gỡ, dựa trên cơ sở pháp luật, và dựa trên cơ chế của địa phương để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Những vướng mắc như vậy Đà Nẵng phải vào cuộc, đồng thời xin ý kiến Trung ương để cùng tháo gỡ.
Cuối năm 2021, tại buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Trần Tuấn Anh đánh giá Đà Nẵng chưa thực hiện tốt một số nội dung quản lý về đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho thuê đất, công tác định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Lợi ích của người dân chưa tương xứng với lợi ích kinh tế, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác triệt để, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, sử dụng đất lãng phí. Thành phố còn lúng túng trong xử lý các vấn đề về đất đai sau khi thực hiện các kết luận về thanh tra, kiểm tra.
Ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm do chủ quan, và quan trọng hơn là hướng về phía trước để thay đổi. Nếu chúng ta không có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, sự phối hợp toàn diện giữa các ngành, các lĩnh vực quản lý nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước thì sẽ không bao giờ tháo gỡ được vấn đề này. Sẽ trở thành trở lực cho sự phát triển.
Đà Nẵng mong muốn thực hiện giải pháp tối ưu để tận dụng nguồn lực đất đai
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho hay, khi tiếp cận Luật Đất đai thì thấy rất rõ vi phạm của chủ đầu tư nhưng việc thu hồi một dự án do vi phạm Luật Đất đai phải được xem xét trong mối tương quan với các luật khác, ví dụ ở Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,… Nói như thế để các đồng chí thấy rằng, đây là vấn đề mà hiện nay cả nước đang đối diện với khó khăn khi thực hiện Luật Đất đai này.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, vừa làm quyết liệt sáng tạo nhưng phải đảm bảo quy định pháp luật thì cái lằn ranh này có những lúc nó bị lấn qua lấn lại nên một số anh em đã vi phạm pháp luật và một số người nhìn thấy việc đó cho nên chùn tay trong công tác đề xuất, tham mưu”.
Cần có nhũng chế tài để sử dụng nguồn tài nguyên đất tại Thành phố Đà Nẵng. (ảnh: Thành Long) |
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho rằng, đúng là nhiều dự án sai về mặt thủ tục nhưng khi chuyển đến người thứ 3 rồi mà chúng ta cứ thu dự án thì nó sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề, nên thu lại những giá trị thiệt hại và hoàn thiện nó để tiếp tục đưa nó vào khuôn khổ thì đấy là cách mà Đà Nẵng đang đề xuất.
"Tôi tin rằng nếu như có quan điểm ủng hộ thì sẽ tháo gỡ được và đưa được nguồn lực rất lớn vào cho phát triển thành phố”- ông Quảng cho hay.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất được nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Trước mắt, để khắc phục những tồn tại, bất cập gây lãng phí nguồn lực đất đai, Đà Nẵng cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, thống nhất. Các cơ quan phải nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ đất đai. Cần tăng cường thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.