Nhu cầu và áp lực lớn phát triển hạ tầng
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự hỗ trợ của IFC cho sự phát triển của thành phố thời gian qua. IFC và thành phố đã hợp tác trên các nội dung cụ thể như hỗ trợ đánh giá tín nhiệm tín dụng, tư vấn theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) cho dự án Đại học Y Phạm Ngọc Thạch...
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (phải) tiếp Tổng giám đốc Điều hành IFC Philippe Le Houérou |
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, với vị trí quan trọng của thành phố, với 10% dân số Việt Nam và đóng góp ¼ GDP cả nước, hiện thành phố đang đứng trước các vấn đề thách thức trong phát triển đô thị như với dân số 10 triệu dân và trong tương lai dự kiến tăng lên 13 triệu dân, tạo áp lực lớn cho phát triển hạ tầng, giao thông đô thị. Vấn đề xử lý rác thải, mỗi ngày có 9.000 tấn rác thải ra tại thành phố. Vào tháng 9/2019 tới, thành phố sẽ có nhà máy xử lý rác thải đầu tiên, biến rác thải thành năng lượng, với khả năng xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Thành phố đặt mục tiêu vào năm 2020, một nửa số rác thải ra sẽ được biến thành năng lượng. Đến năm 2025, khoảng 80% rác thải sẽ được xử lý thành năng lượng. Hiện tại, 66% rác thải đang được chôn lấp.
Thành phố đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nhất có thể, mô hình không chỉ cho thành phố mà cho cả Việt Nam. Cứ 5 năm, thành phố có thêm 1 triệu dân, vì vậy thành phố cần có các giải pháp nhà ở, y tế, giáo dục, hạ tầng... cho số dân mới. Thành phố đánh giá cao sự hợp tác với IFC trong giải quyết các vấn đề này.
Ông Philippe Le Houérou cho biết, nỗ lực cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị của TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành mô hình cho các thành phố khác. IFC đang hỗ trợ thành phố nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông thông minh nhằm mở rộng giao thông công cộng, giảm tắc nghẽn và phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu bao gồm báo cáo khả thi về hệ thống xe buýt điện nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho thành phố
Trong các thị trường mới nổi và thành phố đang có tham vọng xây dựng thành phố thông minh, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành bài học cho cả khu vực và trên thế giới. TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với bài toán hạ tầng tương tự với thành phố Mumbai - Ấn Độ khi dân số thành phố tăng gấp 10 lần vào buổi sáng và khi đêm xuống dân số giảm 10 lần. "Với kinh nghiệm của mình IFC sẽ cùng WB xem xét, tìm hình thức giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị của thành phố" - ông Le Houerou bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc xác định mô hình nào phù hợp với thành phố, xuất phát từ các kinh nghiệm của IFC sẽ tư vấn cho thành phố. Thành phố cũng cần tập trung vào các dự án năng lượng xanh sẽ là công cụ hữu hiệu để thu hút nguồn tài chính và mở rộng thêm cơ hội phát triển cho thành phố. Cần xây dựng xếp hạng tín nhiệm cho thành phố mà IFC hướng tới trong hợp tác phát triển, bởi đây là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn tài chính cho các dự án đầu tư sau này.
IFC bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1992, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Hiện IFC là nhà tư vấn chính trong việc lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực - Bệnh viện trong ngày Phạm Ngọc Thạch” trong khuôn viên của trường theo hình thức PPP. Dự án này gồm một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, một phòng khám đa khoa và một bệnh viện trong ngày, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 300 ngàn lượt bệnh nhân một năm.
Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt 19 tỷ USD, huy động sức mạnh của khu vực tư nhân để xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.