Người dân phường An Khê tập trung trả lại hàng hóa đã mua, đòi hoàn tiền tối 11/7 |
Ngày 11/7, tại nhà văn hóa UBND phường An Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng), được sự đồng ý của UBND phường, một số người xưng là nhân viên của công ty Toàn Cầu (trụ sở tại Dĩ An, Bình Dương) tổ chức chương trình tư vấn, giới thiệu và bán hàng hóa tiêu dùng như bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện, nồi áp suất…
Những người này giới thiệu với người dân là chương trình bán hàng nhằm “hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sau khi giới thiệu, tặng quà cho người tham dự, những người này mời người dân "mua hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ".
Hàng trăm người dân tin tưởng đã đặt mua các sản phẩm gia dụng với mức giá 1,5 – 3 triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi nhận sản phẩm, người dân phát hiện hàng hóa mình mua có dấu hiệu kém chất lượng khi không có tem mác, giấy bảo hành sản phẩm không có dấu của công ty, hàng hóa có giá cao hơn nhiều so với giá thị trường… nên đã trở lại điểm bán hàng trả lại hàng hóa, đòi lại tiền.
Được biết, cùng ngày 11/7, đơn vị này đã tổ chức bán hàng ở 3 địa điểm khác nhau của phường An Khê. Khi đến liên hệ với UBND phường An Khê để tổ chức bán hàng, đơn vị này cam kết bán hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện phường An Khê cũng cho biết việc cho phép đơn vị này bán hàng là do Sở Công Thương thành phố và UBND quận Thanh Khê có văn bản cho phép thực hiện nên phường căn cứ theo đó thực hiện.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương TP. Đà Nẵng khẳng định, Sở không cấp phép hay xác nhận tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu, phân phối sản phẩm tại các địa điểm công cộng và chỉ khuyến khích các hoạt động tổ chức tại các cơ sở thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tự chọn, tiện lợi…
Ông Bắc cho biết, thực tế, trong thời gian qua, tại TP. Đà Nẵng có diễn ra một số hoạt động giới thiệu và phân phối sản phẩm lưu động tại các phường, xã trên địa bàn, trong đó, có một số doanh nghiệp có hành vi bán sản phẩm với giá trị cao hơn giá thị trường, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, quảng cáo không đúng tính năng, tác dụng thực sự của sản phẩm, hoặc tổ chức các chương trình, hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Vì vậy, Sở Công Thương thành phố đã có văn bản số 922/TB-SCT ngày 31/5/2019 thông báo hướng dẫn về việc tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu, phân phối sản phẩm lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Trong đó nêu rõ, các doanh nghiệp khi tổ chức chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành về nội dung chương trình, chất lượng, giá cả, xuất xứ hàng hóa… Đồng thời thực hiện đúng các quy định của Luật quảng cáo, luật An toàn thực phẩm, an toàn giao thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là lưu ý đến việc mua sắm các sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo chất lượng (có giấy bảo hàng, tem chống hàng giả…), có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (đơn vị sản xuất, nơi sản xuất, liên hệ…), cũng như các kiến thức liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan này theo dõi, giám sát các đợt giới thiệu sản phẩm trên địa bàn để kịp thời xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về thương mại.
“Trong thông báo 922 nêu rõ Sở Công Thương chỉ hướng dẫn, khuyến cáo về hoạt động bán hàng lưu động tại các điểm công cộng. Không cấp phép hay xác nhận tổ chức cho các hoạt động bán hàng này”, ông Bắc nhấn mạnh.
Sở Công Thương Đà Nẵng chỉ tổ chức bán hàng ở các địa điểm công cộng khi đó là chương trình bình ổn giá, hội chợ triển làm (Ảnh: Bán hàng lưu động cho công nhân do Sở Công Thương phối hợp với Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng thực hiện) |
Về phía quận Thanh Khê, theo ông Nguyễn Văn Tĩnh – Chủ tịch UBND quận, khi đơn vị này liên hệ tư vấn, bán hàng, Quận đã yêu cầu đơn vị phải tuân thủ thực hiện đúng nội dung hướng dẫn theo thông báo 922 của Sở Công Thương, có sự giám sát của chính quyền địa phương. Sau khi nhận được thông tin báo cáo về dấu hiệu hàng hóa kém chất lượng, UBND quận đã giao Công an quận Thanh Khê xác minh, làm rõ sự việc.
Hiện những người bán hàng đã giao số tiền hơn 500 triệu đồng từ việc bán hàng cho người dân phường An Khê lại cho UBND phường. Ông Tĩnh cho biết, hiện Công an quận Thanh Khê đang tiến hành mời chủ doanh nghiệp (Công ty Toàn Cầu) ra xác minh, làm rõ sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Sau đó, sẽ hoàn trả lại số tiền trên cho người dân.