Đà Nẵng: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước đạt 2,58% Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP đến năm 2030 tăng trưởng bình quân 9,5 – 10%/năm, liệu có khả thi? |
Kịch bản GRDP tăng trưởng 8 – 8,5% rất khó khăn
Năm 2023, GRDP TP. Đà Nẵng tăng trưởng 2,58%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu năm đặt ra.
Năm 2024, TP. Đà Nẵng chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, phấn đấu chỉ tiêu GRDP tăng trưởng 8 – 8,5%.
Tại Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng khóa X, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và mục tiêu kinh tế năm 2024, nhiều đại biểu HĐND bày tỏ lo lắng mục tiêu tăng trưởng trên là rất khó khăn.
Theo Đại biểu Huỳnh Huy Hòa, mục tiêu GRDP năm 2024 tăng trưởng 8 - 8,5% là một khó khăn rất lớn cho Đà Nẵng và cần cơ chế đặc thù để thực hiện |
Theo Đại biểu Huỳnh Huy Hòa – Tổ đại biểu HĐND huyện Hòa Vang, xem xét quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) để năm 2024, tốc độ tăng trưởng ước tăng 8-8,5% thì dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165 ngàn tỷ đồng, nghĩa là quy mô nền kinh tế phải tăng khoảng 30 ngàn tỷ đồng so với năm 2023. Đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn đối với thành phố.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa cho biết, mức tăng quy mô kinh tế 2 năm 2022 và năm 2023 mới đạt chỉ gần 27.000 tỷ đồng. Nghĩa là nếu muốn mở rộng thêm 30.000 tỷ đồng trong năm 2024 là con số rất lớn. Trong khi đó, năm 2023, TP. Đà Nẵng đã có một số điểm sáng như du lịch tăng 7,3 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2022, doanh thu lĩnh vực này tăng hơn 2,2 lần so với năm 2022 nhưng cũng chỉ tăng hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế chủ lực là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (thường chiếm hơn 12-14% GRDP) sau năm 2022 phục hồi tăng trưởng khoảng 6%, sang năm 2023 gần như không tăng trưởng, khó có đột phá trong năm 2024. Cùng với đó, 3 ngành kinh tế bất động sản, xây dựng, buôn bán ô tô năm 2023 tăng trưởng âm và chưa có tín hiệu phục hồi tích cực trong năm 2024.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 3 năm qua dù vẫn ổn nhưng thu ngân sách từ doanh nghiệp lại giảm. Thực tế này cho thấy, nếu cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi và phát triển thực chất thì quy mô nền kinh tế khó có mức tăng đột phá.
Đà Nẵng cũng không có nhiều các dự án trọng điểm, nhà đầu tư lớn có thể ngay lập tức đem lại/ tạo ra giá trị gia tăng (VA) lớn trong năm 2024. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 70% GRDP với các lĩnh vực dịch vụ truyền thống cũng khó có các đột phá lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là một thách thức đối với nền kinh tế thành phố.
Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho kinh tế thành phố phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo |
Còn đại biểu Đoàn Ngọc Hùng Anh – Tổ đại biểu HĐND quận Sơn Trà cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến đất đai, nhưng thực tế, TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc và phải chờ xin quyết định của Trung ương. “Trong số 32 dự án được rà soát thì có 6 dự án có văn bản xin ý kiến Trung ương nhưng chưa có văn bản phản hồi; 7 dự án đang tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai, 14 dự án đang ra soát khó khăn và mới chỉ có 2/32 dự án tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến đất đai”, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh nói.
Cần sớm xây dựng và thụ hưởng các chính sách đủ mạnh, đặc thù
Từ thực tế hiện trạng kinh tế thành phố, đại biểu Huỳnh Huy Hòa cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao năm 2024 và những năm tiếp theo là thách thức rất lớn khi thành phố không còn nhiều dư địa để thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi thành phố cần sớm được xây dựng và thụ hưởng các chính sách đột phá, đủ lớn, đủ mạnh, đặc thù, tạo động lực, có tính lan toả; thuận lợi thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, đối với phát triển kinh tế đặc biệt chú trọng các cơ chế, chính sách đòi hỏi sự ủng hộ từ Trung ương gồm: Các chính sách về khoa học và công nghiệp, đổi mới sáng tạo (liên quan đến miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…); chính sách lớn về hình thành Khu phi thuế quan thương mại dịch vụ; chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; xây dựng trung tâm logistics; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Ngoài ra, cần xem xét giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đại biểu Lê Thanh Phúc – Tổ đại biểu HĐND quận Liên Chiểu kiến nghị, năm 2024, thành phố cần quan tâm đến việc ổn định chính sách, ổn định xã hội. “Trong bối cảnh thị trường quốc tế và khu vực đang bất ổn và khó khăn như hiện nay, đó là một trong những vấn đề ưu tiên chúng ta phải chú ý để nhà đầu tư đến đây yên tâm tìm hiểu, đầu tư”, ông Phúc nói.
TP. Đà Nẵng cần ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm đến tìm hiểu và đầu tư |
Cùng với đó, cần chú trọng triển khai có hiệu quả các Nghị quyết gắn với Quy hoạch thành phố. Đẩy nhanh các đề án hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm logistics, đề án phát triển chíp bán dẫn… theo cơ chế mới, cạnh tranh hơn.
Tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về cải cách hành chính; đồng hành cùng nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, những quy định thuộc thẩm quyền của Trung ương, khơi thông vốn đầu tư mới, đầu tư mở rộng.
Lạc quan hơn, đại biểu Đoàn Ngọc Hùng Anh cho rằng, ngoài những khó khăn, thách thức, Đà Nẵng vẫn có những cơ sở, tiền đề rất quan trọng để có thể thực hiện mục tiêu GRDP năm 2024 tăng trưởng 8 – 8,5%. Có thể nhắc đến như, Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; cơ bản hoàn thành 9 quy hoạch phân khu đô thị; 4/10 đồ án phân khu chức năng,… Đặc biệt với sự quyết liệt thực hiện Chỉ thị 34 của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ vương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay, Đà Nẵng sẽ thực hiện thành công chủ đề năm 2024 là năm “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.