Tổng giá trị hàng hóa dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại vào khoảng gần 100 tỷ đồng và liên tục được bổ sung |
Hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng và không tăng giá
Ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết trướcdiễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, Sở đã chủ động làm việc với các trung tâm thương mại, đơn vị phân phối bán lẻ hàng hóa để có phương án cụ thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, ổn định thị trường trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong trường hợp dịch Covid – 19 lan rộng.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng hóa dự trữ tại các trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn vào khoảng hơn 120 tỷ đồng.
Trong đó, lượng hàng hóa thiết yếu (gạo, đường, muối, mỳ bún phở, dầu ăn, nước mắm, mùng mền gối, xà phòng, kem bàn chải đánh răng) dự trữ tại các siêu thị, trung tâm đạt gần 100 tỷ đồng. Cụ thể siêu thị Big C Đà Nẵng dự trữ hàng hóa tổng trị giá 20,6 tỷ đồng, siêu thị MM Mega Market 4,3 tỷ đồng, Siêu thị CoopMart Đà Nẵng (tại Thanh Khê) 11,9 tỷ đồng, Siêu thị CoopMart Sơn Trà 8,7 tỷ đồng, Siêu thị Vinmart – Ngô Quyền Plaza 1,7 tỷ đồng và tổng giá trị hàng hóa dự trữ tại Lotte Mart Đà Nẵng vào khoảng 50 tỷ đồng. Riêng mì bún phở dự trữ là 274.226 thùng, dầu ăn là 125.721 lít.
Tại các chợ truyền thống, tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ ước đạt khoảng 21 tỷ đồng. Trong đó, tại 4 chợ loại I do Sở Công Thương thành phố quản lý (chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) dự trữ hàng hóa khoảng 1 tỷ đồng. Các chợ trên địa bàn quận, huyện ước đạt gần 20 tỷ đồng. Hàng hóa được lưu chuyển về chợ liên tục 2 đến 3 ngày một lần.
“Các hàng hóa được dự trữ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, và đa phần là hàng Việt. Giá cả các mặt hàng thiết yếu đảm bảo bình ổn, phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, có tính đến phương án nếu xảy ra trường hợp dịch Covid – 19 lan rộng”, ông Bắc cho hay.
Bàn giao 100 bộ nhu yếu phẩm phục vụ cho khu cách ly tập trung phía Tây thành phố |
Sẽ cung ứng hàng hóa thế nào nếu Covid – 19 lan rộng?
Theo ông Bắc, Sở đã có phương án cụ thể cung cấp thực phẩm hàng hóa thiết yếu khi dịch Covid – 19 kéo dài và phải tiến hành cách ly tập trung với số lượng lớn, trên diện rộng.
Theo đó, trong trường hợp cách ly tập trung tại các khu vực cách ly của thành phố, Sở Công Thương đã làm việc với Công ty TNHH An Thạnh tham gia cung ứng suất ăn công nghiệp cho thành phố trong trường hợp phát sinh lượng lớn người bị cách ly do nghi nhiễm dịch Covid-19; trong đó suất ăn dự kiến cho 1 người/1 ngày là 80.000 đồng và hợp đồng chính thức được thực hiện ngay sau khi có thông báo của Sở.
Trước đó, ngày 9/3, Sở Công Thương cũng đã bàn giao 100 bộ nhu yếu phẩm thiết yếu (gồm chăn, mùng, mền, bàn chải, khăn mặt….) cho Ban quản lý Ký túc xá phía tây thành phố để phục vụ cách ly người lây nhiễm Covid-19, đồng thời tiếp tục chuẩn bị 650 bộ dự phòng để cung cấp ngay sau khi có yêu cầu của thành phố.
Trong trường hợp xấu hơn nếu phải thực hiện cách ly diện rộng tại chỗ (ở khu dân cư, phường xã….) để hạn chế việc di chuyển của người dân trong khu vực (vùng) đang bị cách ly, Sở Công Thương đã làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để thực hiện giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng. “Người dân sẽ mua sắm hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại thông qua việc đặt hàng trực tuyến hoặc thông qua điện thoại. Đơn hàng được tiếp nhận sẽ có nhân viên giao hàng đến tận nơi giao hàng. Việc giao nhận và thanh toán sẽ được cán bộ tại khu vực hỗ trợ thực hiện và chuyển hàng đến tận tay khách hàng”, ông Bắc cho hay và cho biết thêm Sở cũng đã có tính toán mức tiêu dùng cụ thể của mỗi người dân trong trường hợp cách ly diện rộng và đã có đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ký hợp đồng đối với các đơn vị phân phối (Coopmart, BigC, Lotte Mart, Vincom, MM Mega Mart, Đắc Vinh…) để thực hiện cung cấp cho người dân trong thời gian bị cách ly tại chỗ cho từng khu vực trên diện rộng.
Sẵn sàng phương án kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối ngay khi dịch Covid - 19 được kiểm soát |
Ngoài các phương án sẵn sàng cho các trường hợp để ứng phó với dịch Covid – 19, Sở Công Thương thành phố cũng đã có kế hoạch, phương án để thúc đẩy thương mại sôi động và phát triển trở lại ngay sau khi dịch Covid – 19 được kiểm soát. Như tổ chức các chương trình kích cầu nội địa; xúc tiến thương mại; kết nối cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm…; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá, tìm kiếm đối tác; tổ chức hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương; vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Đặc biệt là cập nhật kịp thời và thông tin đến doanh nghiệp các văn bản qui định chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19 về tín dụng, thuế…