Đà Nẵng: Tập trung đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo Đà Nẵng: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6 – 6,5% |
Nhiều dự định mới với kỳ vọng tăng trưởng
Gác lại những khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng bước vào năm 2024 với sự chủ động, nỗ lực và nhiều dự định mới với kỳ vọng sẽ khôi phục đà tăng trưởng.
Cuối năm 2023, công ty TNHH Peco Food (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã đầu tư một dây chuyền sản xuất mới với vốn đầu tư hơn 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Khoa Chương – Giám đốc công ty cho biết, việc đầu tư là chuẩn bị cho những dự định, kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2024. “Dự kiến khoảng tháng 7/2024, công ty chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất để đa dạng thêm các dòng sản phẩm thực phẩm khác từ đó đa dạng khách hàng và mở rộng kinh doanh”, ông Chương cho hay.
Các doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng bước vào năm 2024 với sự chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển |
Không hoàn thành kế hoạch năm 2023 nhưng công ty TNHH sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng) vẫn chủ động đầu tư máy móc, thiết bị sẵn sàng cho năm mới 2024. Ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc công ty cho biết, đơn vị kỳ vọng và có niềm tin thị trường năm 2024 dù còn khó khăn nhưng sẽ khởi sắc. “Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng đón đầu cơ hội khi thị trường ấm trở lại. Song song, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy móc để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Phước nói.
Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC, Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), năm 2023, doanh thu thị trường nội địa của đơn vị giảm sâu gần 50%. Bù lại, doanh số kinh doanh tại thị trường xuất khẩu lại tăng mạnh ở tất cả các thị trường, mức tăng trưởng khoảng 15%. Dù vậy, DRC chỉ hoàn thành khoảng 90% kế hoạch của năm.
Ông Nhựt nhận định tình hình kinh doanh của năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đại diện DRC cũng khẳng định tình hình chung khó khăn nhưng doanh nghiệp tăng trưởng hay không, thị trường có tích cực hay không lại phụ thuộc hoàn toàn ở sự chủ động của doanh nghiệp. “Thị trường, đơn hàng có tích cực hay không đều do bản thân doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược. Như DRC đã chuẩn bị 4 – 5 năm đầu tư nhà máy Radial mới để năm 2024 tăng trưởng mạnh”, ông Nhựt thông tin và cho biết, nhà máy Radial dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 sẽ nâng công suất sản xuất của đơn vị lên gấp 1,5 lần, đi cùng với đó, doanh nghiệp sẽ chủ động có chiến lược phát triển ở từng phân khúc thị trường. “Năm 2024, DRC đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao. Trong đó, thị trường nội địa tăng trưởng mạnh lại, cùng với duy trì được tốc độ tăng trưởng thị trường xuất khẩu như hiện tại. Thị trường có lúc lên lúc xuống, nhưng doanh nghiệp phải chủ động, đi trước. DRC vẫn sẽ chủ động trong công tác xúc tiến thương mại như các Hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ, Brazil…”, ông Nhựt thông tin thêm và mong muốn tiếp tục có sự đồng hành hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương, các cục, vụ, và TP. Đà Nẵng để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc công nghệ hiện đại, tiên tiến để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm |
Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Viana mới thành lập trong năm 2023 và đã được chương trình khuyến công Đà Nẵng hỗ trợ đầu tư máy móc hồi cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng bước vào năm 2024 với những kỳ vọng đưa sản phẩm thành công ra thị trường, đến với người tiêu dùng. Bà Nguyễn Ngọc Kim Anh bày tỏ: “Trong năm 2024, chúng tôi mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Công Thương trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của đơn vị ra thị trường”.
Ngành Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, trong thời gian qua, ngành công nghiệp Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có một lý do rất quan trọng là thiếu mặt bằng cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kể cả các doanh nghiệp hiện đang sản xuất có nhu cầu ổn định nơi sản xuất, những đơn vị đã, đang sản xuất có nhu cầu mở rộng và những đơn vị muốn đầu tư mới.
"Giải pháp đầu tiên của ngành Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024 là tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố và các cấp tập trung tạo ra quỹ đất mới, trong đó, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Cẩm Lệ, triển khai các bước để thu hút đầu tư các cụm công nghiệp mới; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới, tạo quỹ đất mới cho doanh nghiệp" - bà Mai thông tin.
Thiếu mặt bằng là vấn đề hàng nghìn doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng đang gặp phải và là vấn đề quan trọng cần TP. Đà Nẵng tập trung giải quyết trong năm 2024 để tạo ra sự bứt phá cho sản xuất công nghiệp |
Song song với đó, qua theo dõi, năm 2023, rất nhiều lĩnh vực công nghiệp gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, giày da, gỗ… Các doanh nghiệp mặc dù rất nỗ lực nhưng đây là khó khăn chung của thế giới, của cả nước. “Trong năm 2024, chúng tôi nhìn nhận thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn. Bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực chủ động trong định hướng phát triển, tìm kiếm thị trường để duy trì và phát triển sản xuất. Về phía Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển sản xuất”, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Bước vào năm 2024, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8 – 8,5% so với năm 2023. Trong đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đạt 6 – 6,3%; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo – lĩnh vực công nghiệp chủ lực, chiếm 14,5% trong tổng GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5 – 6%. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 3% so với năm 2023.