Kéo dài chưa mở lại chợ, hàng tự phát và hàng rong “thuận lợi” phát triển
Mặc dù Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng đã khẳng định “TP. Đà Nẵng đã kiểm soát tốt dịch Covid – 19”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các quận, huyện của TP. Đà Nẵng vẫn rất chậm chạp mở các chợ truyền thống.
Do chợ đầu mối Hòa Cường chưa mở cửa, nhiều tiểu thương thuê mặt tiền nhà dân tại đường Lê Nổ làm điểm tập kết, bỏ sỉ và bán lẻ hàng hóa cho người dân |
Trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện có chỉ có 4 chợ mở cửa là chợ Hòa Khánh, chợ Hòa Mỹ, chợ Nam Ô và chợ vật tư. Ông Lê Duy Hòa – Trưởng phòng kinh tế quận Liên Chiểu cho biết gọi là mở chợ nhưng thực ra chỉ mang tính chất là một điểm bán hàng thiết yếu, chứ không mang tính chất là một chợ. Số lượng tiểu thương của mỗi chợ chỉ từ 10 – 30 tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu. Số lượng và chủng loại hàng hóa cũng hạn chế.
Việc hạn chế mở lại chợ truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi để các điểm bán hàng tự phát, bán hàng rong phát triển.
Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Liên Chiểu, Thanh Khê như Trần Cao Vân, Dũng Sĩ Thanh Khê, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Phạm Như Xương, Nam Cao, Hoàng Thị Loan… dễ dàng bắt gặp những điểm bán hàng thực phẩm tự phát trên vỉa hè hoặc trong nhà dân. Tất cả những điểm bán hàng chỉ mở “mọc” lên trong thời gian gần đây. Thực phẩm của các quầy hàng có thể chỉ bán rau, củ; hoặc bán thịt; bán cá; có thể bán tất cả mọi sản phẩm trên.
Chợ Đầu mối Hòa Cường hiện vẫn đang tạm dừng hoạt động, nhưng khu vực xung quanh chợ, đặc biệt là mặt đường Hồ Nguyễn Trừng, Lê Sát, Lê Nổ hoạt động mua bán diễn ra khá nhộn nhịp.
Ngoại trừ phía đường Lê Nổ chủ yếu là các tiểu thương bán sỉ thuê tạm mặt bằng nhập hàng về để bỏ sỉ hàng và bán lẻ cho người dân, thì khu vực trước mặt chợ đường Hồ Nguyên Trừng, Lê Sát tình trạng bán hàng rong, bán hàng tự phát diễn ra rầm rộ, rất đông người dân đến mua bán tại khu vực này.
Ghi nhận của Báo Công Thương, trong sáng 27/9, lực lượng trật tự đô thị có đi kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong, tuy nhiên, khi xe của lực lượng chức năng rời khỏi chợ thì các xe hàng rong lại chạy ra và tiếp tục mời chào khách.
Dù việc mua bán này diễn ra ở xung quanh chợ Đầu mối Hòa Cường tuy nhiên Ban quản lý chợ không thể can thiệp vì việc bán hàng chủ yếu ở phía bên vỉa hè của nhà người dân hoặc khu vực không có nhà ở.
Bán hàng tự phát, hàng rong diễn ra rầm rộ tại khu vực xung quanh chợ đầu mối Hòa Cường |
Tất cả hoạt động mua bán tại các quầy bán thực phẩm tự phát hay hàng rong đều không có sự kiểm soát người mua, người bán. Diện tích các quầy hàng này nhỏ, hàng hóa được bày bán không có ngăn cách giữa người mua và người bán; thực phẩm tươi sống không có bảo quản, che chắn ngăn bụi bẩn…. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về lây lan dịch bệnh.
Cần thiết mở lại chợ truyền thống
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Đà Nẵng mới có 2 quận là quận Sơn Trà và quận Cẩm Lệ mở lại 100% chợ truyền thống và đáp ứng tốt việc cung ứng hàng hóa phục vụ người dân.
Ông Phạm Tấn Thành – Trưởng BQL các chợ quận Sơn Trà cho biết 7/7 chợ tại 7 phường của quận đều đã mở cửa trở lại phục vụ người dân và đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về phòng chống dịch Covid – 19. “Hiện mỗi chợ có khoảng 30% tiểu thương các ngành hàng thiết yếu đi bán, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Các tiểu thương tự liên hệ với tiểu thương bỏ sỉ để lấy hàng hóa, trong trường hợp nếu thiếu hàng sẽ liên hệ BQL để kết nối nguồn hàng”, ông Thành cho hay.
Tại quận Cẩm Lệ, ông Võ Linh Thể - Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết 6/6 chợ do quận quản lý đã mở cửa trở lại phục vụ người dân. Mỗi chợ có khoảng 10 – 20 tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu. “Tiểu thương lấy mẫu xét nghiệm Covid – 19 với tần suất 3 ngày/lần, số lượng người dân ra vào chợ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo giãn cách và tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid – 19”, ông Thể thông tin.
Các quận, huyện còn lại việc mở lại chợ còn khá hạn chế. Đáng chú ý, mặc dù TP. Đà Nẵng cho phép người dân “vùng vàng” đi mua hàng thiết yếu 5 ngày/lần nhưng lại không mở lại chợ, không có phát thẻ mua hàng, phường không có siêu thị, lượng hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi hạn chế nên người dân buộc phải lựa chọn mua hàng ở những nơi bán hàng tự phát.
Đối với 4 chợ loại 1 do Sở Công Thương quản lý, ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng (trực thuộc Sở Công Thương) cho biết ngoài 2 chợ đã mở cửa và hoạt động ổn định, cung ứng hàng hóa cho người dân là chợ Hàn và chợ Cồn, thì đơn vị cũng đang chờ quyết định để mở lại chợ Đầu mối Hòa Cường. Ông Tẩu cho biết phương án mở chợ đã trình thành phố, trong đó, bước đầu khi mở lại, chợ có vai trò như một điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa. “Các đầu mối đưa hàng về khu vực tập kết hàng tại chợ sau đó bốc dỡ, phân phối hàng lên các xe tải nhỏ và giao hàng trực tiếp cho các bạn hàng. Toàn bộ quy trình chỉ có tiểu thương bỏ sỉ thực hiện, người mua hàng không đến chợ giao dịch”, ông Tẩu thông tin. Riêng chợ Đống Đa do khu vực quanh chợ mới phát sinh các ca mắc Covid – 19 nên tạm thời chưa mở cửa trở lại.
Các chợ truyền thống đã được mở cửa trở lại thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa cho người dân và đảm bảo phòng chống dịch Covid - 19 |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 tối 26/9, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng – ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị thành phố sớm phục hồi lại chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vừa kiểm soát được thông tin người mua bán (thông qua kiểm soát người ra vào chợ bằng thẻ đi chợ QR Code). “Một số chợ truyền thống hiện chưa mở, nhưng nhu cầu người dân đi chợ khá đông. Tôi đi kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường, người dân bán các tràn ra đường Lê Thanh Nghị, nguy cơ lây nhiễm cao”, ông Triết nói.
Hiện TP. Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh và dần mở cửa lại nhiều hoạt động. Trong khi đó, đi chợ là thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân thành phố, vì vậy, nên chăng, TP. Đà Nẵng mở lại các chợ truyền thống để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và có kiểm soát thay vì siết chặt, hạn chế mở chợ với lí do “để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh tại chợ” nhưng lại thả lỏng việc mua bán tự phát không kiểm soát.
Một số hình ảnh báo Công Thương ghi nhận trong ngày 27/9:
Đường Lê Sát khu vực chợ Đầu mối Hòa Cường rất nhiều quầy hàng tự phát buôn bán rầm rộ |
Các xe hàng rong sẵn sàng chạy khi có lực lượng chức năng kiểm tra và quay lại bán khi xe lực lượng chức năng rời khỏi |
Bày tôm, cá bán giữa đường tại khu vực đường Bàu Trảng 1 giao Điện Biên Phủ (Thanh Khê) |
Bán hàng rong tại khu vực đường Hoàng Thị Loan (quận Liên Chiểu) |
Đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu) dày đặc các quầy bán thực phẩm tự phát |