Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút mới 5 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 249,3 triệu USD; 11 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 325,5 tỷ đồng. Có 6 dự án lớn được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án được cấp phép nghiên cứu đầu tư tại Tọa đàm Mùa Xuân năm 2019. Trong đó, 4/6 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư đang triển khai đúng tiến độ đã cam kết để đưa dự án đi vào hoạt động. Tính đến nay, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại khu công nghệ cao là 25,2% và tại các khu công nghiệp là 86,45%.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý đã triển khai nhiều công việc, trong đó có ổn định bộ máy tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ mới và duy trì công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của 2 đơn vị cũ. Nhìn chung, các hoạt động quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao, khu công nghiệp không bị ảnh hưởng, không gây phiền hà cho tổ chức, công dân trong thời gian đầu sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Các nhiệm vụ mới của Ban Quản lý do UBND thành phố, các sở, UBND các quận, huyện ủy quyền thực hiện trên các lĩnh vực môi trường, xây dựng và lao động, bước đầu triển khai thực hiện ổn định.
Hiện nay, Ban Quản lý đang tập trung theo dõi, đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao trong việc triển khai thi công, hoàn thành và bàn giao các hạng mục hạ tầng của Khu công nghệ cao. Trong 6 tháng đầu năm 2019, dự án Khu công nghệ cao giải ngân được 108,776/161,674 tỷ đồng (đạt 67,28%); trong đó giải ngân vốn Trung ương 56,369/59,992 tỷ đồng (93,96%), giải ngân vốn địa phương 52,407/101,682 tỷ đồng (51,54%); dự án Khu phụ trợ giải ngân được 24,961/78,278 tỷ đồng (đạt 31,89%).
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng rất chú trọng, tích cực trong công tác xử lý kiến nghị và hỗ trợ doanh nghiệp; công tác quản lý môi trường. Từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Quản lý đã tiếp nhận và giải quyết 16 kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý xây dựng, tích cực cho việc quản lý, phát triển khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.
Buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng |
Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.
Cụ thể, đại diện Công ty Long Hậu phản ánh, việc giá thuê đất trong các Khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao (KCNC) được điều chỉnh thay đổi theo từng năm như hiện nay gây bất lợi, khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong tiếp cận, triển khai dự án. Là doanh nghiệp chuyên cung cấp, cho thuê hạ tầng, nhà xưởng, Công ty Long Hậu cho biết, các doanh nghiệp, đối tác của công ty đang rất quan tâm đến việc đầu tư tại Đà Nẵng. Điều này thể hiện qua việc dự án xây dựng hạ tầng, nhà xưởng của Công ty tại KCNC Đà Nẵng dù chưa triển khai nhưng đã ký được hợp đồng 100% cho giai đoạn 1, và 50% cho giai đoạn 2. Đại diện Công ty đề xuất: thành phố có định hướng xây dựng, hình thành các khu dành cho ngành công nghiệp phụ trợ xung quanh KCNC; đây được xem như các khu vệ tinh của KCNC, sản xuất lĩnh vực phụ trợ nhằm phục vụ cho các ngành sản xuất trong KCNC.
Cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong KCNC, KCN hiện đang được quan tâm, hỗ trợ rất tích cực về nhiều mặt, đại diện Nhà máy sản xuất bia Heineken Đà Nẵng đề xuất thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các KCN, cả về điện, nước và quản lý vệ sinh môi trường, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Trương Quang Nghĩa -Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, trong điều kiện có sự thay đổi cơ chế bộ máy tổ chức; đồng thời, đề nghị Ban quản lý tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, thống nhất đồng bộ theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp.Tránh để xảy ra tình trạng vướng mắc của doanh nghiệp không được giải quyết triệt để, gây chậm trễ, lãng phí thời gian, nguồn lực của nhà đầu tư.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề giá thuê đất, bên cạnh việc phải điều chỉnh hàng năm theo quy định của nhà nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu, vận dụng các quy định, chính sách nhằm có giải pháp ổn định giá thuê lâu dài trong các KCN, KCNC.
“Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng. Việc giá thuê đất ổn định, có mức tăng hợp lý sẽ tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo nên lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng so với các địa phương khác”, ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Khẳng định công nghiệp sản xuất công nghệ cao là một mũi nhọn phát triển kinh tế cần tập trung ưu tiên tối đa trong giai đoạn hiện nay, ông Trương Quang Nghĩa đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng, các sở, ban, ngành chú trọng giải quyết, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan, đảm bảo cam kết với nhà đầu tư. Đặc biệt, đề nghị Sở Xây dựng làm việc với nhà tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố nghiên cứu mở rộng khu công nghệ cao, dành quỹ đất cho ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao theo định hướng của thành phố.