Những ngày qua, thông tin GS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai quay trở lại nghề y “thực hành bác sĩ” sau khi ông vướng vòng lao lý, vi phạm pháp luật hình sự thời còn công tác ở Bệnh viện Tim Hà Nội được xã hội quan tâm. Quan tâm là bởi, nhiều bệnh nhân, người trong giới y khoa vẫn còn nhắc tới, nhớ đến bác sĩ “Tuấn Tim” (biệt danh của GS Nguyễn Quang Tuấn) - người đã xử lý nhiều ca bệnh phức tạp và xây dựng nên tên tuổi của mình từ những năm trước.
Thời điểm ông Nguyễn Quang Tuấn vướng vào vòng lao lý, nhiều người còn bày tỏ sự tiếc nuối cho vị bác sĩ được coi là đầu ngành về tim mạch. Tất cả những gì ông Tuấn có là trí tuệ, trình độ chuyên môn cao, đóng góp lớn cho ngành y học nước nhà không ai dám phủ nhận. Nhưng những việc làm vi phạm pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại lớn tài sản, ngân sách nhà nước, ông Tuấn phải chịu trách nhiệm là điều không thể chối cãi.
Dư luận ủng hộ về thông báo của ông Tuấn bắt đầu thực hành bác sĩ từ ngày 1/7/2024 tại Bệnh viện Hữu Nghị, kéo dài 12 tháng theo quy định của Bộ Y tế về cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh. Điều ấy thể hiện khát khao chính đáng của ông Tuấn sớm trở lại nghề y, vì ông là người có chuyên môn giỏi. Nhiều người mong mỏi ông Tuấn quay trở lại nghề y thật mạnh mẽ để đủ điều kiện khám bệnh, cứu người, tiếp tục cống hiến, đóng góp cho ngành y. Bản thân GS Nguyễn Quang Tuấn cũng bày tỏ niềm khát khao sớm trở lại với nghề.
Tuy nhiên, cách ông Nguyễn Quang Tuấn quay trở lại công việc cứu người và khoác lên mình chiếc áo blouse trắng đang gây ra phản ứng trên một số diễn đàn mạng xã hội. Đặc biệt là hình ảnh ông Nguyễn Quang Tuấn cười tươi xuất hiện trên mặt báo, khiến nhiều người cho rằng hơi “lố”...
Hình ảnh GS Nguyễn Quang Tuấn cười tươi xuất hiện trên báo chí được cho là không phù hợp khi ông vừa mới chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
“Dù tài giỏi đến đâu, dù đóng góp đến đâu, đã đi nhận án phạt tù tức là có vi phạm pháp luật. Sau khi ra tù, cách truyền thông tốt nhất là thể hiện hiệu quả cải tạo của pháp luật, bài học rút ra được trong thời gian cải tạo chứ tự hào gì đâu mà lên báo cười tươi trả lời phỏng vấn..”, chị Nguyễn Bích H. bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội Facebook.
Tiếp lời bàn luận trên, chị Nguyễn L.A. viết: “...Hôm qua báo chí thông tin về chuyện thực hành, em thấy “ok”, góc nhìn từ bên ngoài ghi nhận khách quan thì ổn. Nhưng mà lên báo trả lời phỏng vấn thì em thấy không ổn nữa rồi, dù là chiến dịch hay tự phát đều không ổn”.
Cùng quan điểm với những ý kiến trên, bạn Hang D. viết: “Em rất thích bài đăng hôm qua. Nhưng sáng nay mở T.T. (một tờ báo) ra lại thấy chú với hình ảnh cười này, em cũng thấy không còn ổn nữa”.
Một số ý kiến khác cũng phản ứng trước việc GS Nguyễn Quang Tuấn tươi cười khi trả lời trên một tờ báo và cho rằng đây là hình ảnh không phù hợp. Có người còn nói, đó là hình ảnh “lố”, hơi thái quá.
Bạn Thùy Linh Trần nhận xét: “Công nhận, em thấy lúc này cần khiêm tốn, tích cực thì lại làm màu quá đáng”. Còn người có tên Đào Thanh T. viết ngắn gọi: “Khao khát thì cứ lặng lẽ mà làm thôi!”. Còn người viết có tên Việt H. nhìn nhận: “Tự dưng cảm giác là anh ý vừa chiến thẳng trở về”.
Quả thực, ông Nguyễn Quang Tuấn trở lại với nghề y, ngành y tế lúc này là điều tốt, có giá trị với xã hội. Nhưng có lẽ ông Tuấn nên chọn cách trở lại với chiếc áo bluse trắng trong lặng lẽ, ít ồn ào và hạn chế hình ảnh được cho là phản cảm sẽ gây được thiện cảm hơn.
Nếu chỉ dừng lại với hình ảnh GS Nguyễn Quang Tuấn đi từ Khoa Khám bệnh rồi rảo bước lên tầng 4, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị để thăm hỏi các bệnh nhân thì liệu có phải sẽ vẹn toàn cả đôi đường không?