![]() |
Oằn lưng gánh cước và phí
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận vận chuyển khoảng 88% hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó có 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container đi thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ… Với sự phụ thuộc lớn này, doanh nghiệp luôn bị động trong xuất khẩu hàng hóa bởi những mức giá cũng như quy định về cước, phí mà chủ tàu đưa ra.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hơn một năm trở lại đây, cước vận tải biển đi một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada đã tăng gần 70%, mức tăng trung bình 300 USD/tháng.
Ngoài mức cước theo quy định thì doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải oằn lưng gánh những loại phí và phụ phí như: Xếp dỡ container, xăng dầu, tắc nghẽn cảng. Thậm chí, cước vệ sinh container lên tới 2,5 triệu đồng/container.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy: Giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 4/2015 một số hãng tàu đã tăng phụ phí vượt quá ngưỡng 5%. Từ quý II năm nay, nhiều loại phí cũng được các hãng tàu điều chỉnh tăng từ 20- 40 USD/container; phí mất cân bằng container tăng từ 60 lên 100 USD/container 40 feet.
Công khai giá để tránh bị “xử ép”
Dù Luật Hàng hải đã có những quy định về giá cước vận chuyển nhưng theo một số doanh nghiệp, quy định này vẫn còn quá chung chung. Đặc biệt, chưa có cơ quan quản lý về các loại phí, phụ phí nên doanh nghiệp thường bị chủ tàu “xử ép”.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện của một số doanh nghiệp xuất khẩu và cảng biển trong nước cho rằng: Minh bạch là yếu tố tiên quyết, trong đó phải công khai biểu giá cước và giá dịch vụ.
Về phía Bộ GTVT, Bộ đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng trình Thủ tướng Chính phủ thời gian tới. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công bày tỏ: Các khoản thu phí và cước phải phù hợp với thông lệ quốc tế; giữa chủ hàng, đại lý, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần có sự công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Được biết, Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: GTVT, Công Thương, Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan đề xuất quy định về quản lý cước vận tải biển để đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hàng hải. Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện việc đánh giá thị trường vận tải biển; tổ chức và kiểm soát thị trường vận tải biển, giá cước và các loại phụ phí theo cước vận tải biển để đảm bảo mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Theo đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam, tiền phụ phí cước vận tải biển và các chi phí khác chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của hiệp hội, tương đương 110 triệu USD/năm. |