Khi cuộc chiến chống giặc nội xâm chặt đứt các chuỗi “lợi ích nhóm”, “cua cậy càng, cá cậy vây” Tổng Bí thư nhấn mạnh các nhóm giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “giặc nội xâm” nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. 10 năm qua, kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo, cuộc chiến này không ngừng nghỉ và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn gam co, ác liệt…
Giặc ngoại xâm dù có mạnh đến đâu cũng có thể phát hiện từ khi chúng chưa xâm lược, còn “giặc nội xâm” ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đoàn thể. “Giặc nội xâm” khó phát hiện, vì thế cuộc chiến chống thứ giặc này rất gian nan…
Vấn nạn vắt qua nhiều thế kỷ, biến tướng tinh vi
Theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) thì tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công.
Không phải bây giờ mới có tham ô, tham nhũng mà vấn nạn này đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, ngay từ thuở xa xưa, ông cha ta đã nghét thói tham ô, tham nhũng và đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phê phán tệ nạn này. Bức tranh dân gian Đông Hồ “Trạng Chuột vinh quy” (hay còn gọi là “Đám cưới chuột”) là một ví dụ. Nhân vật chính trong tranh là Chuột (đã đỗ Trạng nguyên) “vinh quy” có “ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau”. Thế nhưng nhân vật to nhất (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) trong tranh lại là con mèo. Những con chuột đi đầu “dâng” đến mèo những thức ăn ngon như bồ câu, cá chép thì mèo cũng không có biểu hiện hành động gì. Nó coi như đấy là chuyện đương nhiên, thường tình. Nhìn cách “ứng xử” này, người ta sẽ đoán mèo sẽ không “vồ” chuột như theo quy luật tự nhiên nữa, mà sẽ để cho “đám vinh quy” (đám cưới) này đi qua. Vì nó đã được “cống” những thứ kia...!!!
Trong truyện cười “Nhưng nó còn bằng hai mày”, chỉ vì một xô xát nhỏ không đâu vào đâu mà hai nông dân Cải và Ngô đưa nhau đến kiện nơi “cửa quan”, mà nghe đồn là người xử kiện giỏi nhất vùng. Cải nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” bèn đút thầy Lý (người xử kiện) 5 đồng để mong được “xử thắng”. Chốn công đường trang nghiêm, thầy xử đánh Cải 10 roi. Nghĩ “thầy” quên đã nhận tiền, Cải xòe 5 ngón tay phải ý nhắc “thầy” đã đưa 5 đồng và “thầy” đã nói xử phải cho mình. “Quan xử” ngang nhiên xòe 5 ngón tay trái của mình úp lên 5 ngón tay của Cải và nói “Tao biết mày phải. Nhưng nó còn bằng hai mày!”. Thì ra “thầy” đã nhận tiền của Ngô gấp đôi của Cải.
Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã nhận rõ sự nguy hại của nạn tham nhũng và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị. Thời kỳ nhà Lý (1009-1225), nhà vua đề ra những quy định khắt khe để ngăn ngừa, trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Cụ thể, nếu quan nha, thư lại nào mà thu thuế vượt quá số lượng thì bị khép vào tội ăn trộm và bị xử nặng tội. Năm 1043, vua Lý Thái Tông đặt thêm quy định, ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu (tội đem đi nơi phương xa, suốt đời không được về). Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ.
Bộ luật Hồng Đức là Bộ luật ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông có niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497), đây là Bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ và hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Điều 138, Bộ luật này ghi rõ, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức; từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày; từ 20 quan trở lên bị xử chém. Đối với của hối lộ, một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.
Tuy đã có nhiều chế tải xử lý, răn đe, nhưng vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam vẫn tồn tại vắt qua nhiều thế kỷ và ngày càng biến tướng, tinh vi.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, mức độ nghiêm trọng
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Người đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, “là giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Cũng theo Người, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, các biểu hiện này đều có chung một nguồn gốc đó là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một trở lực nội tại và là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và trở lực khác Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó.
Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với việc dồn sức, dồn lực chống giặc ngoại xâm, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu vẫn rất quan tâm đến công tác chống “giặc nội xâm”. Ngày 5/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu phải cúi đầu nhận tội.
Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau nhưng ngày càng tinh vi hơn, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (từ ngày 20 - 25/1/1994) đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội VIII của Đảng năm 1996 tiếp tục khẳng định bốn nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX của Đảng năm 2001 nhấn mạnh thêm: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.
Đại hội X của Đảng năm 2006 một lần nữa nêu quyết tâm: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.
Đột phá từ phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo
Cách đây tròn 10 năm, không khí đón Xuân Quý Mùi 2013 của các địa phương trên mọi miền Tổ quốc khá vui vẻ so với năm trước đó bởi kinh tế đất nước trong năm Nhâm Ngọ 2012 tăng trưởng khá cao, đời sống của nhân dân sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng người dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng bởi “quốc nạn tham nhũng” chưa được đầy lùi. Chính vì vậy, vào giáp Tết Nguyên đán Quý Mùi, khi nhận được thông tin, Bộ Chính trị có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, nhân dân khắp cả nước đều phấn khởi.
Bộ Chính trị có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban |
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên đầu tiên (phiên thứ nhất), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Quyết định này được ban hành ngày 1/2/2013, tức ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ. Ba ngày sau, tức ngày 4/2/2013, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên đầu tiên (phiên thứ nhất), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hồi đó, tôi là Trưởng phòng biên tập Kinh tế - xã hội - nội chính của Báo Quân đội nhân dân. Do có thời gian khá dài là phóng viên chuyên trách theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ khi đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nên tôi được “đặc cách” dự phiên họp quan trọng này. Năm ấy, tháng Chạp chỉ có 29 ngày nên phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ cách 5 ngày nữa là đến mùng một Tết.
Mở đầu phiên họp, đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, gồm 16 thành viên. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; dự kiến Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết.
Tại phiên họp, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc giải quyết…
Mỗi thành viên phải là một tấm gương
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.
Đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích những điều kiện thuận lợi như: Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm rất cao; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, có nghĩa là Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong cả hệ thống chính trị. Thành phần Ban chỉ đạo lần này gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cơ quan Thường trực là Ban Nội chính Trung ương có vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lớn… Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước khó khăn, sức ép rất lớn, phải tạo chuyển biến rõ nét, phải làm tốt hơn trước đây, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm…
Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý: Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được.
“Tất cả 16 đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
10 năm qua, những vấn đề mà đồng chí Tổng Bí thư đặt ra từ phiên họp đầu tiên ấy vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn./.
Bài 2: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ