Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương kiểm tra cung ứng hàng hoá ở các chợ truyền thống Tổ công tác đặc biệt kịp thời xử lý vướng mắc trong cung ứng hàng hóa |
Nguồn hàng tại TP. Hồ Chí Minh dần ổn định
Báo cáo về nguồn hàng cung ứng cho thành phố tại cuộc họp chiều ngày 21/7 với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì. ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương - cho biết: Trước khi dịch diễn ra, nguồn hàng về thành phố thông qua 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn với khoảng 7.000 - 9.000 tấn rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, nguồn cung mặt hàng rau của quả của các tỉnh Tây Nam bộ chiếm 30%, Đông Nam bộ chiếm khoảng 15%, còn lại là các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và phía Bắc. Riêng về thịt heo, có 37 tỉnh, thành phố thường xuyên cung ứng hàng cho TP. Hồ Chí Minh, trong đó Đồng Nai chiếm số lượng lớn nhất.
Nguồn hàng cung ứng cho thành phố đang dần ổn định |
Chợ đầu mối của thành phố có đặc thù là phục vụ hàng hóa ngược lại cho các các tỉnh, thành khác trong vùng. Chẳng hạn, Bà Rịa - Vũng Tàu mang tôm cá lên chợ đầu mối sẽ mua ngược lại các mặt hàng rau củ quả về tỉnh. “Giao thương của chợ đầu mối là rất lớn và mô hình của chợ đầu mối không phù hợp công tác phòng chống dịch, có nhiều ca lây nhiễm. Do đó, thành phố quyết định đóng cửa 3 chợ đầu mối. Khi hệ thống chợ đầu mối đóng cửa, các thương lái vẫn hoạt động mua bán qua điện thoại, zalo, chành vựa vẫn nhận - giao hàng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện đại nhập hàng nhiều hơn nên cơ bản nguồn cung hàng hóa đã đảm bảo ổn định”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định.
Về lưu thông phân phối hàng hóa, thành phố có 106 siêu thị bán lương thực thực phẩm, 2.469 cửa hàng tiện lợi, 28.700 cửa hàng - cửa hiệu có bán lương thực thực phẩm. Thêm vào đó, gần đây một số hệ thống bưu điện, Viettel Post, doanh nghiệp logistics… đã có những chuyến xe lưu động để bán hàng hóa thiết yếu… nên đã góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân khi nhiều chợ truyền thống đóng cửa.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện tại lượng hàng cũng tương đối ổn định nhưng giá một số mặt hàng vẫn cao. Sở kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kết nối với các đơn vị cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng giá bình ổn cho chương trình bình ổn giá của thành phố. Lý do, hiện các đơn vị bán hàng bình ổn đang phải gồng mình kéo giá xuống. Đơn cử mặt hàng trứng gà, trứng vịt hiện nay nguồn cung giảm, nhưng do nhu cầu thiết yếu nhiều dẫn đến giá tăng. Trong khi đó, Saigon Coop đang bán giá bình ổn chỉ 29.000 đồng/chục trứng còn giá mua vào đã ở mức 31.000 đồng/chục trứng.
Ngoài thực phẩm thiết yếu, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp kéo dài nên dự trữ hàng hóa, vật tư y tế của doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn. Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và đề xuất các Bộ liên quan để có chính sách tài chính cho nhóm doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp với Sở Công Thương chiều 21/7 |
Chia sẻ với những khó khăn trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động, cố gắng của ngành Công Thương trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.
Thứ trưởng nhận định, diễn biến của dịch Covid-19 có thể xảy ra rất nhanh vì thế Sở Công Thương phải có kịch bản đối phó với tình huống xấu hơn so với hiện nay, thậm chí cần phải lường được tình huống xấu nhất để xây dựng các kịch bản phù hợp, có giải pháp ứng phó kịp thời.
Liên quan đến kiến nghị của Sở Công Thương về các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp mua dự trữ hàng hóa, vật tư y tế, Thứ trưởng cho rằng, Sở cần tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo lãnh đạo thành phố, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, Sở phải căn cứ tình hình thị trường để có đánh giá chính xác và có ứng xử truyền thông kịp thời, không làm ảnh hưởng tâm lý người dân. Trong tình huống cần phải áp dụng các biện pháp siết chặt hơn Chỉ thị 16 như hiện nay, thì Sở cần tham mưu cho thành phố ban hành các giải pháp cụ thể, phù hợp.
Đối với nguồn hàng cung ứng cho thành phố, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các địa phương, doanh nghiệp, thống nhất phương án hỗ trợ.
Tạo “luồng xanh” cho đưa hàng vào tâm dịch
Cũng trong ngày 21/7, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. Theo Tổ công tác, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 5017, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên không cần đăng ký, không cần dán Thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe. Thay vào đó các xe chỉ cần dán Logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm.
Tại buổi làm việc, Tổ công tác đã đề nghị Sở Giao thông vận tải cung cấp mẫu Logo nhận diện để gửi các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy định; đồng thời cung cấp đấu mối liên lạc của Sở Giao thông vận tải để các doanh nghiệp có thể liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh.
Hiện tại, Sở Công Thương Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của ngành giao thông, chuyển Sở Giao thông Vận tải cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng) với 16.076 đầu xe, trong đó: Vận chuyển hàng thiết yếu là 519 doanh nghiệp và 16.066 xe vận tải các loại; Vận chuyển xăng dầu gồm 10 doanh nghiệp và 91 xe bồn (xe xitec). Hai bên cũng thống nhất đảm bảo cho các doanh nghiệp lưu thông xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam bộ.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, ngày 21/7, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ bảo đảm an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị quản lý chợ căn cứ theo điều kiện, tình hình thực tế và khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung như: Đối với tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống, tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19, đồng thời tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch đối với tiểu thương, người lao động, khách hàng; Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối phải tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh… Các phương tiện vận chuyển khi ra vào chợ phải thực hiện phun xịt khử khuẩn, phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải trong phân luồng, tổ chức lưu thông, vận chuyển hàng hóa. (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). |