Giá thuốc nhập khẩu có xu hướng tăng Tháo gỡ vướng mắc liên quan thủ tục thông quan thuốc nhập khẩu |
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã nhận được văn thư của Công ty TNHH Astrazeneca Việt Nam báo cáo về việc phát hiện các mẫu thuốc Nexium 20mg, Nexium 40mg nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/ lưu hành trái phép tại Việt Nam, kèm theo các tài liệu về các thuốc này, trong đó trên bao bì của 1 mẫu thuốc có ghi "Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27/02/2013, DNNK: Công ty Cổ phần Armepharco".
Nexium nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/lưu hành trái phép tại Việt Nam (ảnh minh họa) |
Nexium là thuốc được dùng trong điều trị các bệnh lý như trào ngược dạ dày, thực quản, loét dạ dày tá tràng.
Sau khi xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về dược, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được mua bán, sử dụng các thuốc Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) không rõ nguồn gốc, không được nhập khẩu, lưu hành trái phép.
Trên sản phẩm nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/lưu hành trái phép không có thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu thuốc hoặc thông tin doanh nghiệp nhập khẩu không đúng (Công ty Cổ phần Armepharco); không có số giấy phép đăng ký lưu hành; thông tin trên nhãn hộp, trên vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin tới cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/lưu hành trái phép trên nhãn ghi Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet), Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/lưu hành trái phép nêu trên.