Ách tắc các chuyến bay nội địa
Tại cuộc họp vào ngày 13/7, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định: Hàng không, đặc biệt thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo. Khách nội địa qua cảng hàng không trong tháng 6 thậm chí tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Sự tăng trưởng này trong bối cảnh hạ tầng hàng không còn hạn chế, nhân sự sau dịch Covid-19 thiết có nhiều khó khăn là nguyên nhân dẫn đến số lượng chuyến bay chậm huỷ cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Theo kế hoạch, nhanh nhất tháng 7/2024 nhà ga T3 mới hoàn thành, và phải quý 2, 3/2025 thì sân bay Long Thành mới có thể đưa vào khai thác”, ông Thắng chia sẻ.
Trong bối cảnh như vậy, ngành hàng không phải tìm các giải pháp, cách làm mới, đẩy nhanh áp dụng công nghệ mới để giảm tối đa tình trạng này, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Ngay trong đầu tuần này lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã trực tiếp đi kiểm tra Đài kiểm soát không lưu và Trung tâm điều phối khai thác (AOCC) Nội Bài, đánh giá thực trạng và nghe báo cáo giải pháp.
Sân bay Nội Bài thường xuyên đông đúc trong những tháng gần đây, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến |
Cục Hàng không cho biết, trước đó Cục cũng đã thiết lập nhiều đoàn kiểm tra về tình hình chậm huỷ chuyến bay do các Phó Cục trưởng dẫn đầu.
Ông Đinh Việt Thắng cũng khẳng định: Hiện ngành hàng không còn có rất nhiều việc phải làm từ nhà ga, sân đỗ, cho đến điều hành chuyến bay… quan trọng là phải dám làm và có sự quyết tâm.
Để minh chứng cho điều vừa nói, ông Thắng đã dẫn ví dụ việc vẫn đang áp dụng phân cách tối thiểu giữa các tàu bay là 5 dặm, việc này là “rất lãng phí tài nguyên”. Những bất cập liên quan đến sắp xếp vị trí đỗ tàu bay, thời gian chiếm dụng đường băng… cũng được ông Thắng đề cập đến.
Trong chuyến khảo sát tình hình khai thác sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn khẳng định tình hình chậm chuyến ở Tân Sơn Nhất trong tháng 6 khá nghiêm trọng.
Ông Tấn cho biết: "Ngoài yếu tố về hạ tầng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm huỷ chuyến. Đơn cử như chuyện xếp chỗ trên bãi đỗ nhưng lại chưa tính đến thời gian khởi hành của tàu bay. Tàu khởi hành trước thì lại đỗ bên trong, đỗ xa hơn. Tàu khởi hành sau thì lại đỗ ngoài. Có những tàu chỉ lăn ra thôi cũng mất 15 - 20 phút”.
Ông Hồ Minh Tấn cũng nhắc đến bất cập trong phương thức cấp huấn lệnh đường dài. Có hãng xin trước 30, có hãng lại 20 phút… Thời gian chiếm dụng đường băng của phi công cũng là vấn đề cần quy định, kiểm soát. Việc chưa có quy định về thời gian chiếm dụng đường băng cũng là một yếu tố có thể gây chậm trễ.
Trong khi Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho hay: Tình trạng chậm chuyến tại Tân Sơn Nhất thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân do thời tiết xấu.
Còn theo ông Nguyễn Quý Đôn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam chia sẻ: Nhiều máy bay lăn lên đường băng mãi mới chạy đà. Phải khống chế thời gian chiếm dụng đường băng. Mỗi chuyến tiết kiệm vài giây thì slot điều hành cũng tăng đáng kể.
Ông Bùi Thanh Hà - Trưởng ban không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết: “Tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong lần khảo sát mới đây, một tàu bay B777-300 (loại tàu bay rất lớn) của Singapore hạ cánh, phi công chỉ có 60 giây là thoát li khỏi đường cất hạ cánh. Trong khi các phi công của ta đều phải cần đến gần 70 giây. Hay như với tàu bay cất cánh, kiểm soát lưu không lưu tận dụng từng giây từng phút để cấp huấn lệnh nhưng sau khi cấp huấn lệnh xong, 10 - 15 giây xong mới thấy tàu bay khởi hành. Rõ ràng là phi công của ta chưa có ý thức về việc tiết kiệm thời gian này….”.
“Tuyệt đối không bàn lùi, khó khăn là để vượt qua”
Tại cuộc họp, ông Đinh Việt Thắng đã thể hiện sự quyết tâm nhằm giảm các chuyến bay nội địa chậm, hủy chuyến: Tuyệt đối không bàn lùi, khó khăn là để vượt qua, ngay lập tức cần phải xốc lại, phải thay đổi để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân
Cụ thể, Cục trưởng Cục Hàng không đưa ra chỉ đạo đối với 3 đơn vị: quản lý sân đỗ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam VATM cần chủ động phối hợp, bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt cả theo giờ bay.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đưa ra con số hết sức cụ thể với việc chiếm dụng đường cất hạ cánh. Với hai sân bay lớn là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, phải đảm bảo hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát li. Với cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định này sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.
Với phương thức cất hạ, ông Đinh Việt Thắng nghiên cứu sớm quyết định rút phân cách tối thiểu tàu bay tại Nội Bài xuống còn 3 dặm.
“Sau cuộc họp này, các đơn vị, các bộ phận cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt trong phạm vi trách nhiệm của mình, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt, cùng nhau nâng chất lượng dịch vụ”, ông Đinh Việt Thắng yêu cầu.
Nhằm khắc phục tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không… đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý. Đồng thời, phải công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.
Đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các cảng hàng không, đáp ứng được nhu cầu khi lượng hành khách tăng.
Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định, cũng như tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm.
Tuân thủ tuyệt đối các quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không. Đồng thời, thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan.