Tỉnh Nghệ An hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để bứt phá |
Cục Công Thương địa phương phối hợp Sở Công Thương Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1, cho biết: "Hội thảo nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận xu hướng chuyển đổi số, gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và tăng năng lực làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội...".
Sáng 16/11, tại Nghệ An, Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn” |
Hơn 10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có bứt phá mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn. Nền nông nghiệp phát triển mạnh, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, phát huy lợi thế, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, thu nhập, đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt, nông thôn các địa phương thay đổi không ngừng.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại: Phát triển chưa bền vững, chưa vững chắc; năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản vẫn còn thấp; sản xuất quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ; liên kết chuỗi giá trị, công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế…
Tuy nhiên, hiện nay chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương nói trên hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...
Một số tham luận của các doanh nghiệp về những khó khăn và những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp chế biến thuỷ sản khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Khu công nghiệp Nghi Phú, TP. Vinh) chia sẻ, “Cái doanh nghiệp cần nhất là phân loại mô hình doanh nghiệp khảo sát cụ thể xem doanh nghiệp chuẩn bị đến đâu. Về hạ tầng cơ sở, tổ chức bộ máy quản lý, con người để hướng dẫn cho doanh nghiệp hoàn thiện từng phần một. Chọn đơn vị tư vấn có chức năng am hiểu doanh nghiệp, có kỹ năng tư duy và xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện và vận hành tốt. Cần tập huấn kỹ và tuyên truyền rộng rãi cho doanh nghiệp…”.
Thêm vào đó, "cần đồng bộ hóa việc cải cách hành chính để việc chuyển đổi số doanh nghiệp vận hành tương thích với nhau. Doanh nghiệp mong muốn được trợ giúp làm thí điểm, thực hiện mô hình ban đầu hơn nữa, nhất là nguồn kinh phí…", ông Phong nhấn mạnh
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn. Các doanh nghiệp đã được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể “hiểu đúng, làm đúng”. Đồng thời, bằng kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số thực tế tại các doanh nghiệp, các diễn giả cũng đưa ra các khó khăn, thuận lợi mà các cơ sở công nghiệp nông thôn gặp phải để các cơ sở chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, hội thảo đã tập trung tư vấn, cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản cho doanh nghiệp và giới thiệu các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có thể bắt tay chuyển đổi số ngay. Thông qua hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã hiểu rõ hơn về tình hình thực tế và những khó khăn của các doanh nghiệp, từ đó sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.