Tăng thấp nhất trong 20 năm qua
Lý giải về nguyên nhân gây tăng CPI quý I/2021, tại buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 3, đại diện các đơn vị liên quan đều thống nhất: CPI quý I tăng được chỉ ra do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Cùng đó, giá các mặt hàng thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, giá gas trong nước và giá dịch vụ giáo dục đều tăng cũng là nguyên nhân khiến CPI quý I tăng.
Đại diện Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính bổ sung thêm: Biến động về giá của mặt hàng xăng dầu và sách giáo khoa là nguyên nhân quan trọng đẩy CPI 3 tháng đầu năm tăng. Với mặt hàng xăng dầu, trong 3 tháng đã có 6 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần điều chỉnh tăng và 1 lần giữ ổn định. Mặt hàng xăng dầu trong nước tăng do giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, nếu không có quỹ bình ổn xăng dầu mức tăng giá mặt hàng này ở trong nước sẽ rất cao. Với mặt hàng sách giáo khoa, trong năm 2021 thực hiện phát hành 2 bộ sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6. Mức giá bộ sách giáo khoa mới kê khai cao hơn từ 3-4 lần so với sách giáo khoa cũ. Do đây là mặt hàng nhạy cảm với xã hội cũng khiến CPI tăng cao.
CPI quý I/2021 tăng thấp nhất trong cùng kỳ 20 năm qua |
Dù vậy, mức tăng CPI của quý I được nhìn nhận là khá tốt, bởi những nỗ lực kiềm chế CPI của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt là Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV/2020 nên giá điện sinh hoạt bình quân quý I/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm. Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm và giá dầu hỏa giảm 14,5%. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%...
Mặt bằng giá hàng hoá sẽ không biến động lớn
Qua diễn biến giá các mặt hàng trong 3 tháng đầu năm, cùng việc theo dõi sát sao, đánhgiá diễn biến thị trường thế giới, đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước- ông Trần Duy Đông- đưa ra dự báo: Trong thời gian tới, giá hàng hoá trên thị trường thế giới diễn biến tăng giảm đan xen, ảnh hưởng đến giá hàng hoá trong nước lớn. Tuy nhiên, do nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước đã chủ động, kết hợp cùng các biện pháp điều hành thị trường, giá cả của Chính phủ và các bộ, ngành nên nhìn chung mặt bằng giá hàng hoá trong nước dự báo sẽ không có biến động lớn. Mục tiêu CPI năm 2021 tăng 4% có nhiều dư địa để đạt được.
Đại diện Tổng Cục Thống kê cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo CPI của cả năm 2021. Trong đó, kịch bản 1 dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 2,9% so với năm 2020, CPI tháng 12/2021 tăng khoảng 5,1% so với tháng 12/2020; kịch bản 2 dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 3,6% so với năm 2020, CPI tháng 12/2021 tăng khoảng 6,6% so với tháng 12/2020; kịch bản 3, CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 4% so với năm 2020, CPI tháng 12/2021 tăng khoảng 7,8% so với tháng 12/2020.
Từ các kịch bản này, đại diện Tổng Cục thống kê cho rằng, để giữ CPI ở mức hài hoà nhằm kiểm soát lạm phát bền vững thì không tăng gía hàng hoá do nhà nước quản lý vào tháng 4/2021; đối với giá dịch vụ y tế nên điều chỉnh chi phí quản lý giá trong dịch vụ khám chữa bệnh vào tháng 7 hoặc tháng 8; đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương- Tài chính cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá dầu thế giới, kết hợp sử dũng quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này, tác động đến CPI chung…
Riêng với mặt hàng xăng dầu,đại diện Cục Quản lý giá nhận định: Quỹ bình ổn xăng dầu hiện không còn nhiều trong khi giá xăng dầu có xu hướng tăng lên. Với vai trò cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương có các kịch bản diễn biến trong trường hợp hết quỹ sẽ bình ổn xăng dầu để Bộ Tài chính tổng hợp và có kiến nghị cụ thể.
Bộ Tài chính cũng đang xem xét tác động để đề xuất đưa sách giáo khoa vào nhóm mặt hàng nhà nước định giá để tăng hiệu quả quản lý.
Để có thể kiểm soát CPI ở mức 4% trong năm 2021, ông Trần Duy Đông cũng đề xuất: Có sự phối hợp chặt chẽ công tác điều hành thị trường, giá cả các mặt hàng do nhà nước quản lý; phối hợp công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hoá. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích xuất khẩu hạn chế nhập siêu. Đồng thời đẩy mạnh kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng thiết yếu…