Công ty điện lực Hà Giang: Nỗ lực thắp sáng cao nguyên đá |
Công ty Điện lực Hà Giang là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Hai năm trở lại đây, thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo xuyên suốt từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hà Giang đã có những bước đi tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện Công ty Điện lực Hà Giang có 145 máy cắt recloser, LBS, tủ RMU được kết nối tín hiệu về Trung tâm điều khiển từ xa đang hoạt động tốt. Đến nay, công ty đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, có 10.103 yêu cầu điện và 7.957 hồ sơ đã được đăng ký tại đây. Các dịch vụ điện chiếm 63,1% tổng số yêu cầu trên cổng dịch vụ quốc gia, thanh toán bằng hình thức điện tử đạt 48,75% tăng 19,79% so với năm 2020.
Cán bộ Điện lực Hà Giang hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt |
Với việc đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (trong đó chú trọng tăng số lượng khách hàng trích nợ tự động từ tài khoản khách hàng), hiện số khách hàng không sử dụng tiền mặt của Công ty Điện lực Hà Giang đã tăng thêm 8,84% so với năm 2021, lũy kế 7 tháng đạt 57,59.% . Tỉ lệ khách hàng thanh toán qua trích nợ tự động tăng thêm 9%, lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 đạt 14,56 %.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng mạng xã hội zalo để nhận thông tin trong quá trình sử dụng điện cũng được Công ty Điện lực Hà Giang đặc biệt chú trọng. Kết quả 7 tháng đầu năm 2022, vận động được12.538 khách hàng. Cộng dồn đến 31/7/2022 đã có 47.690 khách hàng đăng ký nhận tin nhắn qua zalo - đạt 24,6% trên tổng số khách hàng toàn công ty.
7 tháng đầu năm 2022, Công ty Điện lực Hà Giang đã lắp đặt là 3.907 công tơ mới. Trong đó, 100% được thực hiện bằng hình thức điện tử, từ khâu khảo sát đến ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng. Tính đến 31/7/2022, Hà Giang hiện có 179.557 khách hàng sử dụng điện, tương ứng với 180.265 công tơ đo đếm điện bán điện. Tỷ lệ thu thập giữ liệu từ xa là 144.775/150.227 công tơ, đạt 96.37%.
Đến nay, số MBA được Điện lực Hà Giang đưa lên phần mềm là 1.779 MBA, đạt tỉ lệ 100%. Các chương trình, hoạt đông khác đều đã được tự động hoá, chuẩn hoá dữ liệu 100%... 5/5 TBA 110 kV của Điện lực Hà Giang đã thực hiện thao tác xa không người trực; hệ thống điện thông minh, việc ứng dụng DMS cũng được công ty triển khai thử nghiệm thành công trên lưới điện trung áp với 4 mạch vòng tự động hóa…
Đặc biệt, để việc chuyển đổi số có được sự vào cuộc tích cực của cán bộ, công nhân viên công ty, Điện lực Hà Giang đã tích hợp thành công hệ thống quy trình, quy định nội bộ trên cơ sở các cặp giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp. Xây dựng thành công việc đánh giá khung năng lực về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn công ty.
Một ca trực tại Trung tâm điều khiển từ xa của Điện lực Hà Giang |
Có được kết quả trên, theo ông Hoàng Văn Thiện – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang, công ty đã phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Trước hết, đó là sự đòi hỏi trình độ cao về kỹ thuật cũng như nhân lực. Trong khi, trình độ nhân lực tại công ty vẫn còn hạn chế nhất định, dung lượng máy chủ của công ty chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trữ dữ liệu.
Tiếp đó, nguồn vốn đầu tư lớn cũng là một thách thức không nhỏ với Điện lực Hà Giang - đơn vị vốn hạch toán phụ thuộc và chưa có cơ chế tự chủ về tài chính.
Bên cạnh đó là thách thức đến từ nhận thức. Bởi chuyển đổi số sẽ tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động, điều này phần nào gây áp lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý và người lao động.
Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, đồng thời xác định quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện đó là “Biến thách thức thành cơ hội”, Điện lực Hà Giang đã chủ động thích ứng, đổi mới và đạt được những thành công bước đầu trong chuyển đổi số.
Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi thực tế và sự phát triển không ngừng của ngành điện, thời gian tới, Điện lực Hà Giang hướng tới thực hiện một số mục tiêu chiến lược trong chuyển đổi số, bao gồm: Thống nhất bộ mã gen chuyển đổi số, bao gồm: Hiểu biết sản phẩm, dịch vụ điện; cung cấp dịch vụ qua môi trường số; chăm sóc khách hàng số; quản lý trải nghiệm khách hàng số; quản trị cơ sở dữ liệu số; phân tích dữ liệu số; số hóa quy trình sản xuất – kinh doanh; khai thác, sử dụng phần mềm và giải pháp số; thích ứng nhanh và tư duy số.
Trong đó, việc đánh giá năng lực của Điện lực Hà Giang trong chuyển đổi số sẽ dựa trên 5 lĩnh vực: Chiến lược và văn hóa chuyển đổi số (tích hợp với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn và văn hóa kinh doanh); mức độ gắn kết nhân viên và khách hàng số; thực trạng ứng dụng công nghệ; mức độ số hóa qui trình hoạt động; khả năng quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu.
Hy vọng với quyết tâm và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Công ty Điện lực Hà Giang sẽ có thêm những hoạt động chuyển đổi số thành công; phục vụ hiệu quả hơn nữa mục tiêu phát triển của tỉnh Hà Giang và nhu cầu của đồng bào dân tộc tại mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.