Năm qua, PC Hà Giang ghi dấu ấn đậm trong việc đưa điện về nông thôn |
Nỗ lực lớn nhất của PC Hà Giang là đã khắc phục mọi khó khăn đưa lưới điện về nông thôn, tích cực cải tạo hạ tầng lưới điện để bà con nhân dân các thôn, bản có điện dùng ổn định… Để có được hệ thống đường lưới điện an toàn, phục vụ nhu cầu bà con nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. PC Hà Giang đã giao nhiệm vụ cho điện lực các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng, các trạm biến áp, phát dọn hành lang lưới điện, nhất là vào mùa mưa bão. Tiến hành đầu tư thay thế hệ thống đường dây bọc cáp vặn xoắn bảo đảm chất lượng và các cột điện mới chắc chắn, tạo yên tâm cho người dân sử dụng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết để phòng tránh và hợp tác tích cực với ngành điện trong việc bảo vệ, sử dụng điện an toàn.
Trong năm 2015, thực hiện dự án cải tạo hoàn thiện lưới điện trung hạ áp nông thôn, PC Hà Giang đã xây dựng lưới điện và trạm biến áp (TBA) tại 26 xã, xây dựng mới và cải tạo gần 82 km đường dây trung áp và trên 41 km đường dây hạ áp. Tính đến hết tháng 11/2015, toàn tỉnh có 1.661 thôn với trên 138 nghìn hộ dân có điện, đạt 81,3%, hiện còn gần 32 nghìn hộ tại 408 thôn, bản chưa có điện sử dụng. Để từng bước tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, PC Hà Giang đang gấp rút triển khai Dự án “Mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Hà Giang” bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án có quy mô 40 TBA được xây dựng mới với tổng dung lượng 3.410 kVA; tổng chiều dài đường dây trung áp 49,802km, đường dây hạ áp 149,470 km; 3.616 công tơ được lắp đặt mới; 212.760m dây sau công tơ... Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 141 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ADB gần 105 tỷ đồng, vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 36 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại 31 xã, thị trấn trên địa bàn 10 huyện, gồm: Xã Bằng Lang, Yên Hà, Vĩ Thượng, Tân Trịnh và thị trấn Quang Bình (Quang Bình); xã Sán Xả Hồ, Bản Nhùng (Hoàng Su Phì); xã Nà Chì, Nàn Ma, Thèn Phàng (Xín Mần); xã Trung Thành (Vị Xuyên); xã Vĩnh Phúc, Liên Hiệp (Bắc Quang); xã Yên Cường, Đường Âm, Phú Nam, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê); xã Bạch Đích, Na Khê, Lũng Hồ, Du Già, Du Tiến (Yên Minh); xã Quản Bạ (Quản Bạ); xã Sủng Trái, Lũng Thầu, Tả Phìn, Tả Lủng (Đồng Văn); xã Pải Lủng, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù. Tả Lủng (Mèo Vạc).
Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp, cải thiện chất lượng điện áp cho khoảng 4.000 hộ dân là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đưa tỷ lệ 75% hộ nông thôn tỉnh Hà Giang được sử dụng điện lưới quốc gia hiện nay lên 85%... góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc bộ; cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, nguồn lực của các huyện, thành phố trong tỉnh Hà Giang nói riêng và các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung
Nỗ lực đưa điện đến thôn, bản của PC Hà Giang đã góp phần giúp người dân miền cao nguyên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước… Giúp bà con nắm bắt khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. |