Bắc Kạn: Làm giàu bền vững từ nông sản đặc trưng |
Giọt lành từ dinh dưỡng tự nhiên
Với niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp, anh Lại Ngọc Thanh đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp đầu tiên bằng cách trang bị kiến thức nền tốt nhất từ ngành kinh tế nông nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (bên trái) và đối tác |
Quá trình học tập và gắn bó với người nông dân, anh Thanh luôn đau đáu với câu hỏi tại sao Việt Nam có nhiều nông sản rất tuyệt vời nhưng ngoài cây trồng chủ lực, sản phẩm khác không thể vươn tầm? Các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã giúp cho cuộc sống người dân được cải thiện, nông thôn được thay đổi, nhưng chưa thật sự bền vững. Vì sao thành công không được duy trì sau khi dự án kết thúc? Câu trả lời là do thiếu yếu tố thị trường. Người dân được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật để trồng và tạo ra sản phẩm nhưng lại không thể tiêu thụ được.
Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) ra đời với mục tiêu xây dựng các thương hiệu nông sản, thực phẩm mạnh để có thể liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. HANUTI phát triển sản xuất, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng những nông sản quen thuộc nhất như đỗ, lạc hoặc các loại trái cây đặc sản tự nhiên nhưng với một phương thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, tiếp cận dựa trên mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Xưởng sản xuất của HANUTI đặt tại thôn Yên Hà, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sản phẩm chính của công ty là các thành phẩm được chế biến từ trái cây thành các loại siro mang thương hiệu “Giọt Lành” và các loại hạt như lạc, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh, ngô nếp, vừng trắng, vừng đen… được rang chín, tạo thành bột ngũ cốc mang thương hiệu “Hạt Dưỡng”.
Để phát triển vùng nguyên liệu, HANUTI đã khảo sát và liên kết với đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những người đang canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, chưa hoặc sử dụng rất ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất. Để tạo lòng tin với người dân, HANUTI có chính sách hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Công ty chủ động ký kết hợp đồng 3 bên giữa HANUTI, người dân và Ủy ban nhân dân xã, nơi có vùng nguyên liệu sản xuất. Giá thu mua nông sản được thực hiện theo chính sách áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường xuống thấp, HANUTI vẫn thu mua nông sản với mức giá tối thiểu, song khi giá thị trường lên cao thì HANUTI lại thu mua theo giá thị trường, đó là chính sách ưu đãi của HANUTI dành cho bà con nông dân.
Từ chính sách trên, HANUTI đã xây dựng chuỗi liên kết với nhiều vùng nguyên liệu sản xuất như: Vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại tỉnh Cao Bằng; vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh, Thái Bình; vùng nguyên liệu mơ tại Bắc Kạn; vùng nguyên liệu mận tại Sơn La; vùng nguyên liệu sấu tại Hà Nam… Sản phẩm của HANUTI được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Việc liên kết sản xuất đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, vừa tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc.
Kiên định mục tiêu
Hiện nay, HANUTI xây dựng một quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; tiến hành đào tạo, tập huấn cho bà con và luôn thực hiện giám sát quy trình canh tác để kịp thời phát hiện những khâu làm chưa đúng để hướng dẫn lại.
Các sản phẩm bột ngũ cốc của HANUTI |
Sau khi thu hoạch, nguồn nguyên liệu được đưa về xưởng sản xuất để chế biến. Mọi khâu chế biến, sản xuất của HANUTI đều được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt và ghi chép đầy đủ để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Và cuối cùng, sự khó tính đó được minh chứng bằng chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm của HANUTI đã được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực. Sự lựa chọn và tin dùng sản phẩm của khách hàng thông qua việc mua hàng lại sau lần đầu mua dùng thử là minh chứng rõ nét cho thấy một sản phẩm được tạo ra bằng sự “khó tính” thì sẽ chinh phục thành công những khách hàng khó tính.
Để xây dựng chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị, HANUTI đã thực hiện các mô hình liên kết với các hộ dân thông qua cơ chế hợp tác 3 bên: Nông dân trồng theo quy trình và kỹ thuật canh tác mà doanh nghiệp hướng dẫn và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương để lựa chọn, quy hoạch vùng nguyên liệu cũng như cùng xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ cho người dân trên cơ sở các loại giống được trồng đều là bản địa, không biến đổi gien; các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nếu được nhà nước hỗ trợ đều là phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ.
Doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo, tập huấn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch; bao tiêu sản phẩm theo cơ chế áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường thấp hơn mức giá sàn thì HANUTI vẫn thu mua với mức giá sàn. Khi giá thị trường lên cao thì HANUTI sẽ mua theo giá thị trường, đặc biệt với sản phẩm hữu cơ, sẽ thu mua với mức giá cao hơn mức giá thị trường tối thiểu là 10%.
Mô hình liên kết này đã một mặt tạo ra thu nhập ổn định và ngày càng tăng cho người dân đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho HANUTI để hướng tới mục tiêu không chỉ phát triển các sản phẩm chế biến ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: http://www.hanoi-sme.vn/thong-bao-chuong-trinh-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao/ |