Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 6/9: Gạo xuất khẩu không còn “vô danh”
Công Thương và công luận 06/09/2022 12:36
Sáng nay, trang nhất Báo Hà Nội mới có bài “Gạo xuất khẩu không còn “vô danh”. Tác giả bài báo đăng, sau nhiều năm xuất khẩu dưới dạng “bao trơn” hay đóng gói tên nhà nhập khẩu nước ngoài…, thương hiệu gạo của doanh nghiệp Việt Nam đã định hình tại những thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới.
Hạt gạo Việt Nam được nhận diện với thương hiệu Việt Nam là một bước chuyển mới của ngành lúa gạo. Đây chính là minh chứng cho thành quả của chiến lược đổi mới - từ chú trọng sản lượng sang hướng tới chất lượng; cũng như việc phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản của doanh nghiệp Việt Nam.
Đưa thương hiệu lúa gạo Việt Nam chinh phục các thị trường quốc tế là một hành trình dài với nhiều nỗ lực. Hành trình này còn tiếp diễn với rất nhiều việc đã, đang và sẽ phải làm như: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, tổ chức các chuỗi sản xuất chất lượng cao, đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu…
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 6/9: Gạo xuất khẩu không còn “vô danh” |
Báo Thanh niên cũng đăng tải bài viết “Cơ hội lớn cho gạo Việt”. Thông tin gạo Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu chế biến bữa ăn trưa tại Văn phòng Nội các Nhật Bản đang mở ra con đường lớn cho gạo Việt cao cấp xuất ngoại.
Tác giả bài báo dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản.
Về chủ đề năng lượng, sáng nay Báo Thanh niên cũng đăng bài “Vì sao Bộ Công thương đề xuất nhập khẩu điện từ Lào?”
Trong Văn bản 5188/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đã nêu rõ những kịch bản có thể xảy ra và sự cần thiết phải nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng việc tăng cường nhập khẩu điện từ Lào là cần thiết, đặc biệt là khu vực miền Bắc, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 cũng như các năm sau 2025.
Cũng trong Văn bản 5188/BCT-ĐL, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ 5 dự án/cụm nhà máy thủy điện đã có đề xuất giá bán điện và thỏa thuận phương án đấu nối giữa các chủ đầu tư với tổng công suất 705,5 MW bán toàn bộ sản lượng điện phát của các dự án về Việt Nam.
“Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu trong nước cao hơn giá xăng, vì sao?” là tựa bài trong mục nổi bật Báo Quân đội Nhân dân.
Tác giả bào báo đăng, do nhu cầu trên thế giới tăng mạnh với dầu diesel, nhiều nước tăng cường tích trữ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới khiến giá dầu diesel trong nước tăng mạnh, vượt giá xăng. Đây là lần đầu tiên giá dầu diesel vượt giá xăng.
Việc tăng giá dầu một phần nguyên nhân khác cũng là do xuất khẩu dầu diesel từ Nga và Trung Quốc giảm mạnh; tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm trong khi mùa mưa bão tại Mỹ đang đến gần ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển dầu thô...
Qua bài viết “Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện 6 cây xăng hết cả xăng lẫn dầu” Báo điện tử VOV đã phản ánh sự vào cuộc kịp thời của lực lượng Quản lý thị trường trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Trần Hữu Linh, trong 4 ngày nghỉ lễ thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã triển khai giám sát hơn 17.000 cây xăng để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu. Công tác kiểm tra, giám sát được phân vùng các khu vực nóng như khu vực miền Nam gồm 19 tỉnh, thành và 13 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình cho đến 5 tỉnh ở Tây Nguyên cũng như một số địa bàn ở phía Bắc.
Tất cả lực lượng đã đến tận từng cây xăng để kiểm tra vấn đề liên quan đến việc tồn trữ xăng dầu trên địa bàn và các điểm lưu kho, bồn chứa ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Các lực lượng cũng tiến hành kiểm tra, xử phạt kịp thời và làm rõ với những cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có dấu hiệu tạm dừng hay ngưng hoạt động. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng như Sở Công Thương trên địa bàn tỉnh thu hồi giấy phép nếu có. Toàn bộ lực lượng Quản lý thị trường thực hiện giám sát 24/24, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thiếu xăng hay đóng cửa.