Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 3/9: Giá xăng dầu sẽ tăng hay giảm trong ngày 5/9? |
Dự báo về tình hình giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 5/9 đang là tâm điểm quan tâm của báo chí và dư luận. Cụ thể, tạp chí Tài chính doanh nghiệp có tin: "Dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng tiếp trong ngày 5/9". Tương tự, Petrotimes cũng có tin: "Giá xăng ngày mai (5/9) sẽ giảm nhẹ, dầu tăng mạnh!", Zing cũng có tin: "Giá dầu có thể vượt giá xăng vào ngày mai. VOV có tin: Dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng tiếp từ chiều 5/9".
Nội dung các báo nêu, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ được Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, do kỳ điều hành lần này trung vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh nên thời điểm công bố giá cơ sở được lùi đến ngày 5/9.
Cập nhật dữ liệu từ Bộ Công Thương đến ngày 31/8, bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng giảm trái chiều. Theo đó dự báo, Kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng trong nước được dự báo giảm từ 300-700 đồng/lít nhưng còn giá dầu sẽ tiếp tục tăng từ 1.800 - 2.000 đồng/lít.
Cũng liên quan đến xăng dầu, nhiều cây xăng vẫn còn tình trạng "găm hàng" gây khó khăn cho nhiều tiêu dùng. Cụ thể, Infonet có bài: "Hàng loạt cây xăng treo biển 'hết xăng". Theo đó, những ngày gần đây, thông tin trên mạng xã hội phản ánh một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội treo biển 'hết hàng' đóng cửa không bán xăng. Trước phản ánh của người dân, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường đã ghi nhận 19/492 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng hoặc dầu.
Riêng trong ngày 3/9 cơ quan này đã ghi nhận thêm 16 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng RON 95, E5 RON 92 hoặc dầu DO với lý do hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Để kiểm soát thị trường, ngày 3/9, Tổng cục Quản lý thị trường đã đột xuất tiến hành giám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh xăng dầu tại 21 cây xăng trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Cụ thể, Sức khoẻ và đời sống có bài: “Hàng loạt cây xăng thông báo 'hỏng máy': Tổng cục Quản lý thị trường có hành động bất ngờ”.
Qua kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cá biệt, một số nơi hết hàng nhưng chỉ là cục bộ, nhất thời.
Trong quá trình giám sát, Đoàn tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu "găm hàng", không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Xuất khẩu 8 tháng của Việt Nam giữ được đà tăng trưởng ấn tượng. |
Phó Tổng Cục trưởng yêu cầu, Cục Quản lý thị trường tỉnh phải xác thực với các thương nhân nhượng quyền về việc nguồn cung có ổn định hay không; Không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu mà chỉ bán dầu, hết xăng.
Các chi cục Quản lý thị trường địa phương cần tăng cường giám sát hoạt động của cây xăng trên địa bàn, nếu để xảy ra tình trạng hết hàng mà lực lượng Quản lý thị trường không nắm bắt được thì quy trách nhiệm của Đội trưởng từng khu vực. Đồng thời, báo cáo tình hình lên Tổng cục để có biện pháp để triển khai, không để tình trạng khách vào rồi lại ra vì không có hàng.
Về vấn đề xuất nhập khẩu, Thông tấn xã Việt Nam có bài: "Lượng thịt lợn nhập khẩu liên tục giảm". Báo Quảng Ninh cũng có bài: "Giá thịt heo nhập rẻ bằng một nửa trong nước". Cụ thể, nội dung các báo nêu: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm nhưng mức giảm đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây nhờ các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt nhiều hơn. Tuy nhiên, thịt lợn nhập khẩu vẫn không dễ cạnh tranh với thịt lợn trong nước, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước đang đứng ở mức hợp lý đối với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 7 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 61,48 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với trị giá 140,56 triệu USD, giảm 5,2% về lượng, tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ở khía cạnh xuất khẩu, Quân đội nhân dân có bài: "Giải pháp giữ vững đà tăng của xuất khẩu". Đại đoàn kết có bài: "Xuất khẩu nỗ lực bứt tốc". Theo đó, vượt qua những khó khăn, trở ngại, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy giảm thương mại toàn cầu, xuất khẩu 8 tháng của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, rủi ro, thách thức với hoạt động xuất khẩu còn lớn, bởi triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi xung đột địa chính trị; tác động tiêu cực từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ... Điều này đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý, cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc tận dụng tốt thị trường, khai thác tối đa các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc. Điều quan trọng là từng doanh nghiệp phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.