Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 3/5: Kỳ vọng từ hợp tác kinh tế Việt - Nhật
Công Thương và công luận 03/05/2022 10:45
Nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh hợp tác hai bên ngày càng phát triển… là nội dung bài “Kỳ vọng từ hợp tác kinh tế Việt - Nhật” đăng trên báo Người lao động.
Bài báo trích dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: Nhật Bản là thị trường xuất khẩu rau quả đứng thứ 4 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với kim ngạch gần 35,7 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đặc biệt giữa bối cảnh xuất khẩu toàn ngành rau quả trong thời gian này giảm 12%.
Về vấn đề công nghiệp, báo điện tử VietnamNet có bài “Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung”.
Tác giả bài báo đưa thông tin, theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, năm 2021, số lượng điện thoại sản xuất trong nước đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.
Cũng về chủ đề công nghiệp, báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam lại cung cấp bức tranh toàn cảnh về sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 với bài “[Infographics] Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% trong 4 tháng”.
Bài báo đăng, 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số ngành trọng điểm ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, như sản xuất trang phục tăng 20%, sản xuất thiết bị điện tăng 19%, sản xuất máy móc, thiết bị tăng 13%.
“Không 'ngủ quên' trên thành tựu” là tựa đề bài đăng trên báo Hà Nội mới số ra sáng nay.
Nội dung bài báo đăng: Kinh tế - xã hội tháng 4-2022 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đà khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Kết quả đạt được tạo niềm tin và là cơ sở thực hiện các mục tiêu của cả năm 2022.
Tuy nhiên, không chủ quan, lơ là bởi kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn. Tác động từ những bất ổn bên ngoài với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, trong khi sự phục hồi kinh tế trong nước chưa đồng đều. Giải ngân vốn đầu tư công được coi là động lực cho tăng trưởng, còn chậm và chưa đạt yêu cầu…
“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” có nghĩa là phải tiếp tục nhất quán yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.