Liên quan đến chủ đề Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, báo Đấu thầu đăng bài “Tạo lực đẩy cho ‘đầu tàu’ TP.HCM”.
Bài báo dẫn nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “TP.HCM đã được trao cơ chế đặc thù và phát huy được nhiều giá trị, phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Tuy nhiên, cần tiến tới xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên vùng, đặc biệt với những vùng kinh tế như Đông Nam Bộ để tạo động lực phát huy hết nguồn năng lực sẵn có của vùng. Cơ chế này sẽ giúp các địa phương cùng xây dựng mối liên kết mạnh mẽ thông qua các dự án giao thông kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại. Mối liên kết, giao thương giữa TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, và TP.HCM đang thực sự là cánh chim đầu đàn, có vai trò dẫn dắt các địa phương tăng trưởng”.
Trước thông tin Indonesia khởi xướng điều tra gia hạn tự vệ đối với một số mặt hàng sợi vải nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần liên lạc với Cơ quan điều tra của Indonesia để đăng ký làm bên liên quan trong thời hạn quy định… Là nội dung bài báo “Indonesia điều tra gia hạn tự vệ đối với một số mặt hàng sợi vải nhập khẩu” đăng trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy).
Theo đó, Cục Phòng vệ Thương mại lưu ý các doanh nghiệp, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Indonesia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc gia hạn biện pháp tự vệ theo đề xuất của nguyên đơn. Và việc bị tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Indonesia và các đối thủ từ các quốc gia khác.
Xuất nhập khẩu tiếp tục là chủ đề “nóng” được báo chí quan tâm trong ngày hôm nay, báo Hà Nội mới có bài “Chinh phục thị trường ‘khó tính’ bằng chất lượng”.
Bài báo dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, xuất khẩu của nước ta đã có tăng trưởng tích cực, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới chiều sâu. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam đã tiếp cận các thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Cẩm Trang cũng cho rằng, để mở rộng hơn nữa thị phần tại các thị trường “khó tính”, hàng hóa Việt Nam cần ổn định về chất lượng cũng như số lượng, vượt qua các tiêu chuẩn được đánh giá là rất cao và cạnh tranh tốt với hàng hóa cùng loại của các nước khác.
“Chuyển dịch năng lượng: Nhìn từ thỏa thuận xanh EU” là tựa đề của bài đăng trên báo Khoa học và Phát triển sáng nay.
Nội dung bài báo nêu, những chính sách chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có năng lượng của khu vực Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có thể vừa là một nguồn hỗ trợ, vừa là một khung tham khảo để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Tác giả bài báo cũng trích lời bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nói hội thảo “Thỏa thuận Xanh châu Âu có thể tạo đà phát triển cho Tăng trưởng Xanh của Việt Nam?”: Năm 2020, tại Liên minh châu Âu - khu vực đối tác thương mại lớn của Việt Nam, một bộ chính sách có tên Thỏa thuận Xanh bao gồm các biện pháp và nỗ lực mới như cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn... nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững đã được phê duyệt.
Và đầu tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một tuyên bố lịch sử: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
“Có thể thấy, chúng ta phải đi trên một con đường không thể khác được, đó là chuyển dịch năng lượng - yếu tố mấu chốt quyết định sự thành bại của những mục tiêu đầy tham vọng mà cả hai bên đều hướng đến” - bài báo trích lời bà Nguyễn Phương Mai nói.