Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 28/4: Xuất nhập khẩu tăng mạnh, bất chấp Covid-19
Công Thương và công luận 28/04/2022 11:48
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 26/4: Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân - nỗ lực để thành công Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/4: Vẫn “nóng” Quy hoạch Điện VIII |
Liên quan đến chủ đề này, báo Đầu tư có bài: Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Bài báo cho biết, sau 6 năm xuất bản, Báo cáo Xuất khẩu Việt Nam trở thành kho thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, cung cấp những thông tin chính thống về hoạt động xuất nhập khẩu như thị trường, các mặt hàng, các hiệp định thương mại tự do, kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2021 |
Báo cáo Xuất khẩu năm 2021 cũng cho biết, năm 2021 được đánh giá là một năm rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng bởi những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Đợt dịch lây lan diện rộng ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp của cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... khiến các doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc tổ chức sản xuất tại chỗ làm ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu.
Chi phí vận tải kho bãi tiếp tục ở mức cao, tình trạng thiếu hụt vỏ container có hạ nhiệt, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao (xăng dầu, sắt thép, nhựa, phân bón, thức ăn chăn nuôi...), ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh, linh hoạt trong đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng đà phục hồi của các thị trường trọng điểm, khai thác tương đối hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA mang lại để tăng trưởng xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng đã nhanh chóng được phục hồi trong quý IV, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu, đưa cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu. Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Kết thúc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng cao; tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản và nông, thủy sản giảm.
Liên quan đến xuất khẩu, tờ Quân đội nhân dân có bài: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Bài báo cho biết, Phó Thủ tướng Lê Xuân Thành vừa ký ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong đó chiến lược đã nêu bật những quan điểm, mục tiêu, đề ra định hướng xuất nhập khẩu hàng hóa và giải pháp thực hiện đến năm 2030.
Lĩnh vực năng lượng được nhiều báo chí quan tâm trong ngày 28/4 |
Thời báo Tài chính Việt Nam có bài: Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, bài báo cho biết, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực. Trong báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 5 năm (2016-2019) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân năm của Việt Nam từ 25-30%. Dự báo giai đoạn 2015-2025, tốc độ này sẽ đạt 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Với sự “nở rộ” của thương mại điện tử, tất yếu phải có một nền tảng pháp luật để vận hành ổn định về mặt pháp luật, đảm bảo tính pháp lý. Trên tinh thần ấy, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu thực tế, khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới, kinh nghiệm các nước để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Bên cạnh chủ đề xuất nhập khẩu, lĩnh vực năng lượng cũng được nhiều tờ báo phản ánh. Cụ thể, tờ Thông tấn xã ngày 27/4 có bài: Đa dạng nguồn năng lượng: Thúc đẩy điện sinh khối.
Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối. Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính toán đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW.
Tuy vậy, cho đến nay, loại hình năng lượng này vẫn chưa được đầu tư nhiều do vướng phải nhiều rào cản, từ sự thiếu ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu... đến các cơ chế khuyến khích điện sinh học chưa đủ hấp dẫn. Để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhiều hơn các chính sách để khuyến khích loại hình năng lượng này.
Tờ CafeF ngày 28/4 có bài: Hậu Giang đề nghị bổ sung 12 dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII. Bài báo cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên vừa ký Công văn số 533/UBND-NCTH gửi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII).
Tại Công văn nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã tiến hành rà soát được tiềm năng về phát triển điện mặt trời 900 MW và điện gió 350 MW. Để phát triển nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung với tổng số 12 dự án điện năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII, để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tại các vị trí mà tỉnh đã dự kiến và kêu gọi đầu tư.