Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/4: Vẫn “nóng” Quy hoạch Điện VIII
Công Thương và công luận 27/04/2022 11:06
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/4: Cơ hội và thách thức trong hoạt động xuất khẩu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 26/4: Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân - nỗ lực để thành công |
Trên báo Thanh tra có bài viết đáng chú ý: “Tuyệt đối không được biến Quy hoạch Điện VIII thành nhóm cơ chế, chính sách”. Theo bài báo, Hội đồng Thẩm định đã thông qua Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương rà soát kỹ Dự thảo trước khi trình Thủ tướng xem xét trong tháng 5 và lưu ý, tuyệt đối không “lồng” cơ chế, chính sách trong dự thảo này.
Cùng về vấn đề này, báo Đầu tư có bài: “Các dự án nguồn điện lớn gặp khó, nguy cơ thiếu điện hiện hữu”. Bài báo đề cập, để thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với con số thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Điều đáng nói, công tác đầu tư các dự án điện không triển khai nhanh chóng được như mong đợi. Một số dự án gặp vướng mắc và phải chờ giải quyết trong thời gian dài.
Vấn đề này, báo Tiền phong cũng có bài: “Quy hoạch điện VIII: Tiết kiệm hàng chục tỷ USD”; Sài Gòn giải phóng có bài: “Quy hoạch điện VIII: Giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo”…
Cùng với dự thảo Quy hoạch Điện VIII thì việc một số doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ chưa xây dựng được kết nối cung - cầu sản phẩm bền vững khiến không ít nông sản khó tìm được đầu ra, tiếp tục được dư luận quan tâm. Báo Thế giới và Việt Nam có bài: “Gập ghềnh đường ra cho hàng Việt”.
Bài báo đưa số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với dịch Covid-19 nhưng công tác kết nối cung ứng hàng hóa đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại Hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra mới đây, cho thấy, thực tế hoạt động kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm thời gian qua giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung. Doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.
Trong khi đó, hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn, vì vậy gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.